Bắc Kinh điều chỉnh chiến thuật
Theo tờ CNBC, Bắc Kinh đang gửi tín hiệu mới trong quan điểm về Triều Tiên, nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump ít có hành động gây hấn với Bình Nhưỡng, các nhà phân tích chính trị cho hay.
“Một điều mà chúng tôi thấy là Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến thuật về vấn đề Triều Tiên với Tổng thống Trump”, ông John Delury, phó Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc của đại học Yonsei tại Seoul, Hàn Quốc cho biết.
“Chìa khóa của Trung Quốc không phải là vấn đề quân sự. Khi chúng ta bắt đầu có định hướng chiến lược quân sự, thì Bắc Kinh sẽ lo sợ khả năng làm suy yếu kinh tế của nước này. Chìa khóa của Mỹ là ngoại giao”, ông John Delury cho biết.
Ít nhất 2/3 giao dịch thương mại Triều Tiên là với Trung Quốc. Sau vụ thử tên lửa gần đây, Bắc Kinh đã có nhiều động thái thắt chặt kinh tế của Triều Tiên.
“Rõ ràng Trung Quốc đang mất dần kiên nhẫn với Triều Tiên”, ông Michael Hirson, Giám đốc châu Á tại tập đoàn tư vấn Eurasia cho hay.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang phát tín hiệu cho cả hai bên. Với Mỹ, Trung Quốc tỏ ra rằng nước này sẽ có nhiều hành động hơn nữa đối với căng thẳng Triều Tiên”, ông Hirson cho biết.
“Về cơ bản, họ muốn nói với Mỹ rằng Trung Quốc là nước duy nhất có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên trên phương diện ngoại giao và đưa vấn đề Triều Tiên lên bàn đàm phán”, ông Hirson cho hay.
Khi còn là ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Trump nói rằng, ông đang chuẩn bị cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để đàm phán.
Nhưng kể từ khi thắng cử, ông Trump liên tục thay đổi giọng điệu và cơ hội đàm phán Mỹ-Triều cũng có khả năng không còn.
Ông Trump khẳng định, sẽ gây sức ép cho Trung Quốc về thương mại trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố, quan hệ Bắc Kinh và Washington sẽ tốt đẹp hơn khi cả hai chung tay giải quyết vấn đề này.
Liệu Trung Quốc có "tọa sơn quan hổ đấu"?
Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi đầu tháng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, “kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên đã qua. Mỹ đã ra lệnh cho tàu USS Carl Vinson hướng về phía Triều Tiên. Hai tàu Nhật cũng tham gia tập trận cùng tàu Mỹ này.
Để đáp trả, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu Mỹ. Theo ông Leon Sigal, Giám đốc dự án Hợp tác an ninh Đông Bắc Á, chìa khóa mà Mỹ nắm giữ đối với vấn đề Triều Tiên là khả năng Bình Nhưỡng muốn tìm đến Mỹ bởi không còn muốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Trung Quốc cho thấy nước này ngày càng sẵn sàng thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Từ ngày 26/2, Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc nói nhiều nhưng hành động ít, ít nhất là ở mặt trận kinh tế. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay đã tăng gần 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đó cho thấy rõ ràng Trung Quốc ít có hành động kiểm soát kinh tế với Triều Tiên hơn so với những gì lãnh đạo nước này nói.
“Dù cho chính quyền Bắc Kinh bộc lộ thái độ cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, thì khả năng trừng phạt mạnh mẽ (giống như những gì Trung Quốc nói) vẫn bộc lộ nhiều nghi ngờ”, ông John Park, Giám đốc Korea Working Group chia sẻ.
Xem thêm >> Ông Trump áp dụng Binh pháp Tôn Tử để đối phó vấn đề Triều Tiên?
Đào Vũ