Trong thời gian qua, Tổng thống Nga Putin đã cho cả thế giới biết nghệ thuật biến điểm yếu thành sức mạnh của mình. Khi quân đội Nga và Syria chung sức hành động tại Aleppo - cứ điểm lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria, bình luận viên của tờ Reuters Amir Handjani đánh giá ông Putin rõ ràng đã nổi lên như một thế lực thống trị ở Trung Đông.
Hai năm trước, Nga hầu như không có sự hiện diện nào trong khu vực, ngoại trừ một căn cứ hải quân ở Syria. Đến thời điểm hiện tại, máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga đang bay qua không phận của các nước Syria, Iran và Iraq.
Trong năm qua, ông Putin đã đưa nước Nga chính thức tham gia vào cuộc xung đột ở Syria với vai trò hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang trên bờ vực của sự sụp đổ.
Nhà lãnh đạo Nga đã cùng lập nên một liên minh bán quân sự với Iran, điều cho phép Moscow mở rộng ảnh hưởng khắp vùng Vịnh Ba Tư, vị thế mà Moscow vốn đã mất đi kể từ sau Thế chiến II.
Bên cạnh đó, quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã dần ấm lại sau vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu nước này ở biên giới Syria năm ngoái. Moscow cũng duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Reuters bình luận, rõ ràng ông Putin đã điều phối bước đi của mình ở Trung Đông một cách hiệu quả, dung hòa các quốc gia vốn mang những mâu thuẫn khó giải. Một sự hiệu quả tốt hơn hẳn so với chương trình của Mỹ tại khu vực này.
Moscow có thể nhanh chóng định hình được lãi suất về mặt lợi ích mà họ thu về từ chính sách đối ngoại của mình thông qua các cam kết hỗ trợ nguồn lực trong khu vực.
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, Mỹ đã liên kết lợi ích của mình ở vùng Vịnh Ba Tư với chế độ quân chủ dòng Sunni như Ả Rập Saudi, Kuwait và Qatar.
Đổi lại, các nước này cũng đầu tư mạnh vào Mỹ, từ việc mua nợ cho đến đầu tư vào bất động sản và mua hàng tỷ đôla vũ khí quân sự.
Các quốc gia Ả Rập cũng nâng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách vận động hành lang để mang lại những lợi ích cần thiết về Trung Đông.
Mối quan hệ giữa Riyadh và Washington vẫn rất mạnh ngay cả khi công chúng trong nước hoài nghi về một liên minh mà đằng sau hậu trường vẫn đi ngược lại lợi ích của Mỹ.
Những quốc gia này quan niệm Washington có nghĩa vụ phải có chia sẻ quan điểm của họ về các vấn đề Trung Đông, có nghĩa rằng Nhà Trắng phải ủng hộ họ trong bất kỳ tình huống nào, dù cho tình huống đó có bị xung đột với lợi ích Mỹ. Ngược lại, Moscow không chịu sự phụ thuộc như vậy.
Ngay cả khi Nga ủng hộ các quốc gia dòng Shiite như Iran và chính phủ Assad tại Syria, các nhà lãnh đạo Ả Rập Sunni vẫn tìm đến sự hợp tác từ phía Putin.
Ả Rập Saudi hiện đang cố gắng phối hợp với Moscow để tìm phương hướng ổn định thị trường dầu mỏ và muốn Putin gây áp lực với Iran để làm điều tương tự.
Quan hệ đối tác của Nga với các quốc gia Trung Đông vốn được xây dựng trên nền tảng của sự thực tế.
Mục đích duy nhất của ông Putin là gia tăng lợi ích dành cho Nga. Ông sẵn sàng bỏ đi di sản của một liên minh không phục vụ mục tiêu chiến lược đối với quốc gia của mình.
Moscow đứng một bên với Damacus, Tehran, Iraq và những chính phủ Shiite khác vì ông hiểu rằng chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni giống như một mối đe dọa lâu dài và làm Trung Đông mất ổn định. Nghiêm trọng hơn nó có thể tàn phá các quốc gia gần biên giới với Nga.
Tuy nhiên, sự khác biệt chiến lược không là rào cản khiến Moscow không thể phối hợp với các nước Ả Rập dòng Sunni trong việc thúc đẩy thương mại và ngành công nghiệp năng lượng của Nga.
Putin vẫn đang làm điều này, trong khi gần gũi hơn với Netanyahu.
Tổng thống Nga đang làm việc với Syria và Iran - kẻ thù của Israel - nhưng đã thuyết phục ông Netanyahu rằng - liên minh với họ không có nghĩa là để đe dọa sự tồn tại của Israel, mà là phục vụ cho một mục đích lớn hơn trong việc đánh bại chủ nghĩa cực đoan Sunni.
Nga tiếp tục hợp tác với Israel trong các lĩnh vực đa dạng như năng lượng, nông nghiệp và máy móc. Nga và Israel cũng duy trì liên lạc quân sự gần gũi và ông Putin cũng khéo léo trong việc không chuyển giao vũ khí cho kẻ thù của Israel.
Mặc dù Mỹ có một sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến các chính sách của các đối tác như Ả Rập Saudi và Israel. Tuy nhiên điều nghịch lý đã xảy ra, các quốc gia này thường hạn chế đi theo chiến lược của Washington vì lo ngại bị bỏ rơi hoặc mất mát nhiều lợi ích.
Do vậy, nếu Nga có một cách tiếp cận nhanh nhẹn hơn và mang tính cơ hội tại khu vực này, Washington sẽ càng thêm khó khăn phải đối mặt và tầm ảnh hưởng của Moscow sẽ tiếp tục gia tăng.
Quốc Vinh