Theo Express, trước khi máy bay MH370 mất tích, các quan chức giao thông Mỹ đã cảnh báo về những vết nứt dưới ăng ten vệ tinh trên thân của máy bay Boeing 777. Những vết nứt này có thể là nguyên nhân dẫn đến “việc mất toàn vẹn cấu trúc của máy bay”.
FAA cùng với đó thúc giục một số hãng hàng không trong đó có Malaysia Airlines, tìm ra các dấu hiệu ăn mòn nếu có dưới lớp vỏ máy bay.
Một tuyên bố khi đó cho biết: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về vết nứt và sự gặm mòn trong vỏ máy bay”.
“Một nhà điều hành thông báo đã phát hiện ra một vết nứt dài 0,4 m dưới ăng-ten SATCOM 3 của một máy bay 14 tuổi. Sau khi phát hiện ra vết nứt này, nhà điều hành trên tiếp tục kiểm tra 42 máy bay khác từ 6-16 tuổi và phát hiện thêm một số ăn mòn cục bộ”, thông báo cho biết.
Thân máy bay do phần lớn làm từ nhôm nên dễ bị ăn mòn theo thời gian, dẫn tới tình trạng dễ hư hại cấu trúc khung thân máy bay. Khi khung máy bay bị hư hại, chênh lệch áp suất khi máy bay ở độ cao trên 10.000 m có thể sẽ gây ra tình trạng giảm áp đột ngột làm vỡ khung.
FAA lo ngại tình trạng xuất hiện vết nứt có thể xảy ra ở nhiều máy bay khác nên kêu gọi các hãng hàng không mở các đợt kiểm tra bổ sung với giá thành khoảng 2.400 USD (hơn 50 triệu đồng) vào lịch bảo trì định kỳ của đội bay Boeing 777 trên toàn thế giới.
Và chưa đầy 1 tuần trước khi MH370 biến mất, Malaysia Airlines tìm thấy một vết nứt dài gần 0,4 m trên thân một chiếc phi cơ trong đội bay Boeing 777 của hãng.
FAA khẳng định 2 ngày trước khi MH370 mất tích, họ đã đưa ra cảnh báo cuối cùng tới Malaysia Airlines, yêu cầu hãng hàng không kiểm tra tất cả các máy bay còn lại.
Tuy nhiên, Boeing sau đó nói rằng chiếc Boeing 777 chở 239 hành khách gặp nạn hôm 8/3/2014 không sử dụng ăng ten giống như những chiếc 777 còn lại nên không thể có rủi ro từ các vết nứt hay ăn mòn máy bay.
Malaysia cũng xác nhận, chiếc máy bay gặp nạn đã hoàn thành công tác bảo trì vào ngày 23/2, 12 ngày trước chuyến bay cuối cùng.
Máy bay MH370 mất tích bí ẩn vào ngày 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, chở theo hơn 200 người trên khoang. 5 năm đã trôi qua nhưng lý do khiến máy bay mất tích vẫn còn là bí ẩn.
Kể từ khi máy bay mất tích, nhiều giả thuyết quanh việc máy bay mất tích được đưa ra như máy bay bị không tặc, cơ trưởng tự sát, MH370 bị rơi ở Campuchia hoặc vẫn “nguyên đai nguyên kiện” dưới đáy Ấn Độ Dương…
Thậm chí, theo cựu giám đốc điều hành đài truyền hình Mỹ Fox, bà Darlene Tipton, hành khách trên chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines là nạn nhân của một “chương trình cấy ghép nội tạng cho người giàu”.
Phát biểu với tờ Daily Star hồi cuối năm ngoái, bà Tipton cho biết có ý định làm một bộ phim về thảm kịch và kể chi tiết về giả thuyết này. Bà tuyên bố có dữ liệu và video trong ổ cứng để chứng minh giả thuyết, nhưng không đưa ra cho đến khi bộ phim được phát hành, vì một thỏa thuận ràng buộc cũng như để đảm bảo an toàn cho người khởi tạo thông tin cho ổ cứng trên.
“Tôi không thể đưa ra bất cứ chi tiết nào vào lúc này. Tôi chỉ có thể nói rằng đó là lý do vì sao MH370 biến mất” - bà Tipton nói.
Tuy nhiên, giả thuyết của bà Tipton bị cựu phi công Edward Baker bác bỏ. Ông này cho rằng không có cách nào biết được những gì đã xảy ra sau khi MH370 mất liên lạc với không lưu 4 năm trước đây.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực về những giả thuyết này.
Xem thêm >> Lý do bất ngờ khiến mọi tìm kiếm MH370 thất bại dù đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay