Cảnh báo biến chứng hẹp tắc tĩnh mạch ở người chạy thận nhân tạo lâu năm

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 3, 08/04/2025 11:36

Nhiều bệnh nhân suy thận phải tạo cầu nối AVF để chạy thận, lọc máu. Tuy nhiên sau nhiều năm, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như: hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ… cầu nối AVF.

Thông tin từ Bệnh viện E, các bác sĩ tại đây đã can thiệp thành công tái thông tổn thương hẹp, tắc cầu nối động – tĩnh mạch (AVF) cho nhiều bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, giúp duy trì chức năng của cầu nối AVF, đảm bảo hiệu quả lọc máu và góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Trong số đó, bệnh nhân L.T.T (nữ, 36 tuổi, trú tại Yên Bái) bị suy thận mãn tính suốt 4 năm và đã được tạo cầu nối AVF tại cánh tay trái để thực hiện lọc máu chu kỳ. Tuy nhiên, khoảng 5 ngày trước khi nhập viện, vùng cầu nối bất ngờ sưng đau, ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình lọc máu.

Sau khi thăm khám tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, các bác sĩ xác định có huyết khối làm tắc hoàn toàn tĩnh mạch cánh tay đầu bên trái, lan tới tĩnh mạch dưới đòn. 

Hình ảnh cầu nối FAV giữa động mạch quay và tĩnh mạch đầu bên phải cũng cho thấy đoạn tĩnh mạch phía sau miệng nối bị xơ vữa, vôi hóa và giãn với kích thước 10x12mm. Trước tình trạng này, người bệnh được chỉ định can thiệp bằng kỹ thuật nong bóng để tái thông dòng chảy.

Tương tự, bệnh nhân M.T.D (nữ, 53 tuổi, Lào Cai) cũng đã chạy thận nhân tạo suốt 10 năm. Bảy ngày trước khi nhập viện, chị bị sưng đau tay trái sau lọc máu, cơn đau lan ra lưng và hai chân. Điều trị 7 ngày tại một cơ sở y tế không đỡ, chị được chuyển về Bệnh viện E. Siêu âm phát hiện cầu nối AVF bị hẹp tĩnh mạch, cần nong bóng tái thông.

ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam - Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, nhấn mạnh, cầu nối AVF đóng vai trò như "đường dẫn máu" đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. 

Cảnh báo biến chứng hẹp tắc tĩnh mạch ở người chạy thận nhân tạo lâu năm- Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân suy thận phải tạo cầu nối AVF để chạy thận, lọc máu. Tuy nhiên sau nhiều năm, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như: hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ… cầu nối AVF.

Đây là cầu nối giữa động mạch và tĩnh mạch được tạo ra nhờ phẫu thuật, giúp tạo ra một đường tiếp cận mạch máu có lưu lượng đủ lớn để đảm bảo hiệu quả lọc máu. Ưu điểm nổi bật của cầu nối AVF là độ bền cao, có thể sử dụng trong nhiều năm, ít nguy cơ nhiễm trùng, đông máu, hẹp hoặc tắc nghẽn. 

Nhờ đó, nó cung cấp lưu lượng và tốc độ máu ổn định, giúp quá trình chạy thận an toàn và hiệu quả hơn so với các phương pháp tiếp cận mạch máu khác.

Tuy nhiên, trong quá trình lọc máu người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như: hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ… cầu nối AVF. Hẹp đường về tĩnh mạch hiệu dụng cầu AVF rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu và hiệu quả của quá trình lọc máu. 

Do đó, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nhằm duy trì chức năng của cầu nối là rất quan trọng. Nguyên nhân gây hẹp cầu nối AVF có thể do quá sản nội mạc, xơ hóa thành mạch, xơ vữa thành mạch, huyết khối bám thành. 

Khi tình trạng hẹp xảy ra, lưu lượng máu qua cầu nối giảm, làm suy giảm hiệu quả lọc máu, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn và nguy cơ nhiễm độc do quá trình đào thải chất thải không được đảm bảo. Khi xảy ra tình trạng hẹp cầu nối AVF thì can thiệp là một phương pháp tiếp cận hiệu quả. 

Can thiệp nong bóng hoặc đặt stent giúp tái thông máu, duy trì độ bền của cầu nối, giám chi phí và hạn chế can thiệp phẫu thuật.

BSCKII Nguyễn Thế Huy – Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch cho hay, việc theo dõi và can thiệp sớm giúp duy trì chức năng cầu nối, đảm bảo hiệu quả lọc máu. Để xử lý tình trạng hẹp cầu nối AVF, các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã áp dụng kỹ thuật can thiệp nong bóng tái thông mạch để điều trị. 

Cảnh báo biến chứng hẹp tắc tĩnh mạch ở người chạy thận nhân tạo lâu năm- Ảnh 2.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và có cầu nối AVF, cần được chăm sóc và theo dõi định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhằm duy trì quá trình lọc máu ổn định và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Đây là phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu, giúp tái thông dòng chảy bằng cách sử dụng bóng nong mạch hoặc đặt stent để mở rộng vị trí bị hẹp.

"Kỹ thuật này giúp người bệnh duy trì liệu trình chạy thận ổn định, giảm thiểu nguy cơ phải tạo cầu nối mới, giúp họ có một cuộc sống chất lượng hơn và đem lại nhiều lợi ích như giúp cải thiện lưu lượng máu ngay lập tức, đảm bảo quá trình lọc máu không bị gián đoạn.

Không cần phẫu thuật lớn, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục nhanh chóng; giúp kéo dài tuổi thọ của cầu nối, hạn chế việc phải tạo cầu nối mới.

Tránh các can thiệp phẫu thuật phức tạp, giảm thời gian nằm viện và gánh nặng tài chính cho người bệnh", BSCKII Nguyễn Thế Huy cho biết.

Các bác sĩ Trung tâm tim mạch khuyến cáo, đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và có cầu nối AVF, cần được chăm sóc và theo dõi định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhằm duy trì quá trình lọc máu ổn định và hạn chế nguy cơ biến chứng. 

Người bệnh nên kiểm tra cầu nối hằng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: sưng, đỏ, đau, giảm tiếng rung hoặc khó tiếp cận trong quá trình lọc máu.

Tránh mang vác nặng hoặc tạo áp lực lên tay có cầu nối để hạn chế nguy cơ tổn thương; giữ vệ sinh vùng cầu nối sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng; đồng thời tuân thủ lịch tái khám và kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Đặc biệt, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế chuyên sâu, có đầy đủ chuyên khoa để được thăm khám, theo dõi chặt chẽ và can thiệp kịp thời khi cần, nhằm kéo dài tuổi thọ cầu nối và đảm bảo hiệu quả điều trị.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.