Một ca bệnh nhiều may mắn
Ngày 25/4, bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) cho biết, trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị đột ngụy, nguy kịch vừa được bệnh viện cứu sống là bệnh nhân H.N.T., SN 1985, ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang.
Trước đó, bệnh nhân đến bệnh viện Gia An 115 khám trong tình trạng huyết áp tăng, yếu nửa người trái (nhất là chân trái) không rõ nguyên nhân, giọng nói ngọng không rõ lời.
Bệnh nhân T. cho biết, trước đó 3 ngày, khi xuất hiện các triệu chứng này, anh đã đi khám tại bệnh viện ở địa phương nhưng do kết quả chụp CT sọ não không phát hiện bất thường nên được cho thuốc uống, ở lại bệnh viện theo dõi.
Theo các bác sĩ bệnh viện Gia An 115, bệnh nhân H.N.T. bị nhồi máu não đỉnh thái dương. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã qua giai đoạn vàng can thiệp nên chỉ có thể tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để tránh nguy cơ tàn phế sau cơn tai biến.
Ngoài ra, vì bệnh nhân còn trẻ, chưa rõ nguyên nhân gây nhồi máu não nên vấn đề quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân để điều trị, tránh nguy cơ tái phát. Anh T. được chỉ định một số cận lâm sàng để truy tìm “thủ phạm” gây đột quỵ.
Qua siêu âm tim qua thực quản, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn tồn tại lỗ bầu dục ở giữa hai buồng tim (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái), một dạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ dễ tạo huyết khối gây đột quỵ.
Sau đó, anh T. được can thiệp bít thông liên nhĩ thành công, được điều trị nội khoa, hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và xuất viện ngày 04/4.
Hiện, tình trạng sức khỏe của anh T. ổn định, các kết quả lâm sàng tốt. Anh T. cho biết, mình đã trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa 2. Dương Duy Trang,Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, người đã trực tiếp can thiệp bít thông liên nhĩ cho bệnh nhân này chia sẻ: Đây là một ca bệnh đột quỵ ở người trẻ với nhiều yếu tố may mắn.
Thứ nhất, bệnh nhân được phát hiện nhồi máu não đỉnh thái dương và tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng sớm. Nếu không được phát hiện và luyện tập, bệnh nhân có thể phải sống cả đời với di chứng yếu liệt tay chân và giảm khả năng ngôn ngữ sau cơn tai biến.
Thứ hai, bệnh nhân được bệnh viện phát hiện thông liên nhĩ và can thiệp kịp thời.
Với tình trạng thông liên nhĩ lỗ nhỏ kín đáo dễ bỏ sót, nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao, đe dọa tính mạng cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy cần chú ý tầm soát nguyên nhân này ở người bệnh đột quỵ trẻ tuổi.
Đột quỵ ở người trẻ gia tăng đáng báo động
Theo chia sẻ của BS.CK2 Dương Duy Trang, trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang gia tăng.
Trong đó, những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 6 lần so với người bình thường.
Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người béo phì, có lối sống thiếu lành mạnh (ít vận động, hút thuốc lá thường xuyên, lạm dụng rượu hoặc các chất gây nghiện…) cũng có nguy cơ đột quỵ não cao.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như bệnh nhân H.N.T. Không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống cả đời trong cảnh tàn phế sau cơn đột quỵ, dù tuổi đời còn rất trẻ.
BS Dương Duy Trang khuyến cáo, để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người cần xây dựng lối sống tích cực: hạn chế bia rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; tuân thủ chế độ ăn uống điều độ.
Nên tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; tập luyện thể dục hằng ngày; tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài…
Với những người đang mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường… cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh. Bên cạnh đó, cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao.
Đặc biệt, những người trẻ tuổi dù đang cảm thấy bản thân khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Bởi vì đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai và khi ấy, hệ lụy sẽ rất khó lường.
Nguyễn Lành