Sáng 14/2, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn đang tích cực điều trị cho cháu P.Đ.C, 8 tuổi, trú tại thôn 1, xã Ea Pal, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk – nạn nhân bị mất hai bàn tay sau tiếng nổ.
BS.CKII Nguyễn Minh Trực – Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cháu C. được đưa vào viện vào lúc 16h50’ ngày 11/2, trong tình trạng đa vết thương hàm, mặt, ngực, dập nát hoàn toàn xương bàn tay trái, phải, chảy máu nhiều... Gia đình cho biết, cháu C. bị tai nạn do pháo nổ.
Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá, do vết thương nặng nên 2 bàn tay của bệnh nhân C. không thể bảo tồn và cần phải phẫu cắt bỏ để tránh nhiễm trùng.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành băng ép vết thương, truyền máu cấp cứu cho bệnh nhân C. Đến 18h cùng ngày, cháu C. được đưa vào phòng mổ để phẫu thuật cấp cứu, cắt cụt hai bàn tay.
Bác sĩ Trực cho hay, sau 4 ngày phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bệnh nhân C. đã ổn định, ăn uống được. Hiện, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục điều trị bù dịch kháng sinh, chống nhiễm trùng vết mổ cho bệnh nhân.
Quặn lòng khi nói về sự việc xảy ra với con trai, chị H.T.H.P. (mẹ của cháu C.) cho biết, sau khi phẫu thuật, con trai chị đã tỉnh táo hơn nhưng liên tục gào khóc vì cơn đau hành hạ.
“Gia đình tôi có 3 người con, trong đó cháu C. là con đầu. Hiện cháu đang là học sinh lớp 2 và rất ham học tiếng Anh. Hằng ngày, ngoài việc đi học, cháu C. rất chịu khó phụ cha mẹ nấu cơm, quét nhà, tắm rửa cho em. Tuy nhiên, do sức đề kháng không tốt nên cháu thường xuyên đau ốm. Thời gian qua, gia đình thường xuyên phải đưa cháu xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) để điều trị dạ dày", chị P. nói.
Cho đến ngày thứ Bảy (ngày 11/2), cháu C. sang nhà bác cách nhà khoảng 7-8km để chơi. Đến trưa cùng ngày, trong lúc người lớn đi làm, cháu C. chơi với anh họ (14 tuổi) ở trong nhà. Khi hai anh em đang chơi thì bất ngờ phát ra tiếng nổ.
Vụ tai nạn đáng tiếc đã khiến cháu C. bị thương nặng phải phẫu thuật cắt bỏ hai bàn tay, còn người anh họ bị chấn thương mắt phải và ở chân.
“Sau khi gia đình hỏi thì các cháu cho biết, vụ nổ xảy ra trong lúc chế tạo pháo. Là bậc cha mẹ, tôi không khỏi đau lòng, lo lắng về cuộc sống sau này của cháu khi không còn hai bàn tay”, chị P. cho hay.
Đáng nói, vụ tai nạn do tự chế pháo nổ nói trên không phải lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực, từ cuối năm 2022 đến nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 5 trường hợp bị tai nạn do tự chế pháo nổ. Trong đó, có 2 trường hợp đã tử vong trong vụ tự chế pháo nổ ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).
Theo bác sĩ Trực, đa số các bệnh nhân vào viện do tai nạn pháo nổ chủ yếu là thiếu niên. Ở độ tuổi này, trẻ suy nghĩ chưa chín chắn, thích tìm tòi, khám phá và chưa lường trước được những tác hại khủng khiếp do việc tự chế pháo nổ gây ra. Hơn nữa, hiện nay, việc mua các nguyên liệu để chế tạo pháo nổ quá dễ dàng thông qua mạng xã hội.
“Hậu quả của các vụ nổ do tự chế pháo rất nặng nề. Không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, các nạn nhân phải mang thương tật suốt đời và đối diện với nhiều khó khăn, nặng nề trong cuộc sống tương lai”, bác sĩ Trực nhấn mạnh.
Để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc tiếp tục xảy ra, bác sĩ Nguyễn Minh Trực khuyến cáo, các bậc phụ huynh, gia đình cần quan tâm và có biện pháp răn đe, giám sát con em mình chặt chẽ hơn. Đồng thời, cần dành thời gian để giải thích cho trẻ hiểu về những hậu quả đau lòng của việc tự chế tạo pháo nổ.
Khánh Ngọc