Chỉ trong vài ngày nhưng nhiều chiếc xe giường nằm đã bốc cháy dữ dội khiến hành khách trên xe được một phen hú hồn.
Như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh, khoảng 19h30 ngày 20/6, xe khách giường nằm 41 chỗ mang BKS 29B 090.xx chạy trên đường vành đai 3, hướng cầu Thanh Trì đi bến xe Mỹ Đình, đến đoạn chợ cá Yên Sở, bất ngờ phát hỏa từ phần đuôi xe, sau đó lan nhanh toàn bộ phương tiện.
Được biết, thời điểm cháy xe không có hành khách do chiếc xe được mang đi sửa tại một gara ô tô ở Yên Sở trong đợt dịch Covid-19, đang di chuyển về.
Tài xế xe ô tô cho biết, khi phát hiện xe cháy đã nhanh chóng dừng xe, dùng bình cứu hỏa chữa cháy, tuy nhiên lửa to, không thể dập được.
Cách đó không lâu, chiếc xe giường nằm đang chạy hướng Bắc - Nam trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu Nguyệt Viên, TP Thanh Hóa thì bất ngờ bốc cháy dữ dội vào trưa 20-6.
Sau khi thấy cháy, tài xế cho xe dừng bên đường đồng thời gọi tất cả hành khách rời khỏi xe. Tất cả được một phen hú vía. Do trời nắng nóng, vật dụng trên xe dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát mạnh, nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ chiếc xe cùng nhiều tài sản, hàng hóa của hành khách.
Trước đó, sáng 18/6, xe khách giường nằm di chuyển trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai trở 11 hành khách nhưng đến đoạn thuộc địa phận huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bất ngờ bốc cháy. Tài xế trên xe cho hay, đã phát hiện khói đen bốc lên từ phía sau, đã điều khiển xe tấp vào làn dừng khẩn cấp, đồng thời hô hoán hành khách xuống xe, di chuyển hành lý ra ngoài.
Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng chiếc xe giường nằm và nhiều hành lý của hành khách bị lửa thiêu rụi.
Những chiếc xe bốc cháy liên tiếp là do đâu đang là câu hỏi cần giải đáp. Bởi, không ít người cho rằng do thời tiết quá nắng nóng, xe chứa nhiều hàng hóa nên dễ bốc cháy.
Để lý giải cho vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch.
Kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết: “Xe khách giường nằm hay xe khách bốc cháy không phải thời gian gần đây mới xảy ra, trước đó cũng đã có. Những chiếc xe này cháy có thể xuất phát từ việc chạm, chập điện. Có người khi mua xe về thường thay đổi kết cấu, đấu điện, lắp thêm nhiều thiết bị khác. Hoặc họ cải tạo hệ thống điện khi hoán cải xe ghế ngồi thành xe giường nằm. Sau một thời gian sử dụng các mối nối, câu đấu điện sẽ bị ô xy hóa, nếu như thợ không làm chuẩn, nó sẽ đánh lửa hoặc khi điện trở tăng lên, dây điện sẽ nóng, dễ sinh ra cháy”.
Trước câu hỏi, nắng nóng có phải là một nguyên nhân gây cháy, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, việc nắng nóng quá mức khiến nhiệt độ vỏ xe ô tô có thể lên tới 60-70 độ C, làm tăng nguy cơ cháy nổ chứ không phải là nguyên nhân chính.
Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, hiện nay không ít những xe giường nằm được “độ” lại, đó là mối lo và nguy hiểm đối với không ít hành khách trên xe.
Theo kỹ sư Tạch, nếu những gì không cần thiết thì không nên câu đấu, lắp thêm, kể cả loa, hay đèn... vì mỗi một bộ phận câu đấu thêm sẽ gây ra nguy cơ chạm chập, cháy nổ về sau. Cần kiểm định đúng kỳ hạn, bên cạnh đó lái xe cũng phải thường xuyên kiểm tra xe để có những bảo dưỡng kịp thời, tránh để tình trạng cháy nổ.
Những vụ cháy và tai nạn xe khách giường nằm thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo đến nhà xe, lái xe và cơ quan chức năng về việc quản lý chặt chẽ những xe giường nằm. Nếu không nó sẽ còn xảy ra và hậu họa sẽ rất khó lường.
Mai Thu