Ngày 6/9, thông tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, từ tháng 7 trở lại đây, số ca mắc Covid-19 nhập viện điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng và đã có một số trường hợp tử vong.
Chiếm phần lớn trong tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận là những người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ mũi. Sở Y tế cảnh báo, tâm lý chủ quan, không tiêm vắc-xin của người dân sẽ khiến nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Riêng trong tháng 8/2022, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM ghi nhận 41 trường hợp mắc Covid-19 nhập viện.
BS Tôn Thất Quang Thắng, Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, nếu như từ tháng 5 đến tháng 7 đơn vị không tiếp nhận trường hợp mắc Covid-19 nào thì từ đầu tháng 8 đến nay số bệnh nhân tăng đột biến.
Trong số 41 ca mắc Covid-19 có 21 trường hợp nặng và nguy kịch, 60% bệnh nhân được chuyển lên từ các tỉnh lân cận với bệnh nền nặng. Mỗi ngày có 3-4 ca nặng phải thở máy, áp lực điều trị đang tăng trở lại.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết 100% các ca nặng nhập viện tại đây đều có bệnh nền mạn tính hoặc mắc các bệnh lý khác. Đáng chú ý, có 7 trường hợp mắc Covid-19 đã tử vong, trong đó có 4 người bị ung thư giai đoạn cuối.
Tương tự, số trẻ em mắc Covid-19 đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM cũng tăng nhanh trong 2 tháng trở lại đây; trung bình mỗi tháng có khoảng 30 bệnh nhi mắc Covid-19 đến khám và điều trị.
Đa số trẻ mắc Covid-19 bị viêm đường hô hấp trên, có bệnh nền, phát hiện từ Khoa Khám bệnh và những khoa khác chuyển đến. Một số ít bị viêm phổi phải thở oxy nhưng may mắn vẫn chưa có trẻ thở máy hay phải chạy ECMO.
Thông tin từ Sở Y tế Tp.HCM, từ 19 - 25/8, toàn Thành phố có 1.114 ca mắc Covid-19 mới (tăng 258 ca so với tuần trước đó), trong đó có 78 ca nặng, 15 ca phải thở máy và 1 ca lọc máu.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nhận định, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đang tăng nhanh, trung bình khoảng 160 ca mắc mới/ngày, số ca phải nhập viện điều trị tăng 74 ca/ngày. Đáng quan tâm là tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 phải thở máy đều nằm trong nhóm nguy cơ cao và chưa tiêm vắc-xin mũi nhắc lại.
Ghi nhận của TTXVN, đầu tháng 8/2022, một nữ bệnh nhân 89 tuổi, ngụ Tp.HCM được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp nặng, dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện hồi sức cấp cứu tích cực, sau một thời gian điều trị, xét nghiệm SARS-CoV-2 chuyển sang âm tính nhưng bệnh nhân tử vong ngay sau đó do phổi đã xơ nát. Người nhà cho biết bệnh nhân không tiêm vắc-xin phòng Covid-19 do sợ tai biến.
TS.BS Lê Quốc Hùng cảnh báo, tỉ lệ tử vong do Covid-19 hiện nay là 30%, đặc điểm chung là người trên 70 tuổi, 100% có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm vắc-xin chưa đủ liều. Người già, có bệnh nền là đặc điểm chung của các bệnh nhân nặng.
Trong nhóm này, chỉ có 28% người bệnh được tiêm 3 mũi vắc-xin trở lên, 72% tiêm 2 mũi trở xuống, trong đó khoảng 25% chưa tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 nào. Điều này vô cùng nguy hiểm vì bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, khi mắc Covid-19 sẽ chuyển nặng, dễ tử vong nếu không được chủng ngừa đầy đủ.
Cũng theo TS.BS Lê Quốc Hùng, đa số vắc-xin phòng Covid -19 hiện nay đều giảm hiệu lực sau 6 tháng khiến cho lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm xuống nếu không tiêm nhắc lại. Trong khi đó, người dân có tâm lý chủ quan vì dịch đã ổn định.
Tuy nhiên, việc chủng ngừa vắc-xin sẽ giúp giảm diễn tiến nặng nếu mắc bệnh. Vắc-xin vẫn là vũ khí tối ưu nhất hiện nay, đặc biệt những người lớn tuổi, có bệnh nền. Trong bối cảnh SARS-CoV-2 đang biến chủng liên tục, người dân cần tiêm chủng vắc-xin càng sớm càng tốt.
Minh Hoa (t/h theo Đại Đoàn Kết, TTXVN)