Trước những lời hứa hẹn về mức lương cao tại Angola, nhiều người đã chấp nhận bỏ hàng trăm triệu đồng để có được suất đi lao động nơi xứ người. Cục Quản lý lao động Ngoài nước cũng xác nhận, thời gian qua nhiều lao động Việt Nam đã nhập cảnh vào Angola qua công ty môi giới. Tuy nhiên, khi đến quốc gia này, nhiều người đã lâm vào tình cảnh không có việc làm ổn định, thu nhập cũng không như công ty môi giới đã hứa hẹn. Một số lao động đã bị chính quyền Angola bắt và trục xuất. Đặc biệt đã có 18 người nước ngoài chết tại Angola vì dịch bệnh và tai nạn lao động.
Thống kê từ cơ quan chức năng cũng cho thấy, Nghệ An là địa phương đứng đầu về số người đã xuất khẩu lao động sang Angola. Và cũng chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã ghi nhận có 4 lao động tử vong tại Angola. Phần lớn nguyên nhân tử vong đều do bệnh tật (chủ yếu bệnh sốt rét).
Một lao động Nghệ An tử vong tại Angola
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Công Hải, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định, cơ quan chức năng chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào đưa lao động sang làm việc tại Angola. Trước đó, Cục này cũng đã từng cảnh báo khi việc đưa lao động sang Angola chưa được cho phép chính thức thì tất cả những doanh nghiệp tuyển, thu phí cao của người lao động để đưa sang quốc gia này đều là bất hợp pháp.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng cảnh báo với các công dân Việt Nam cảnh giác trước những quảng cáo, hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, hết sức thận trọng trước khi quyết định đi lao động tại Angola.
Theo đó, nếu công dân Việt Nam nghi ngờ hoặc phát hiện thấy cá nhân hoặc công ty nào có dấu hiệu lừa đảo thì đề nghị thông báo cho các cơ quan hữu quan (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH (đường dây nóng: 04.38249517, VP hỗ trợ lao động ngoài nước: 04.39366633 hoặc Bộ Công an để biết và xử lý).
Theo Dân trí