Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, từ chiều và đêm nay 8/3, hiện tượng mưa phùn, nồm ẩm quay trở lại miền Bắc. Thông tin này khiến nhiều người dân lo ngại bởi nhiều gia đình vừa tranh thủ dọn dẹp nhà cửa khi hửng nắng.
Những ngày gần đây, do thời tiết ở Hà Nội đổi thay đột ngột (đang mưa lại nắng, nhiệt độ tăng nhanh, vừa hửng nắng 1-2 hôm lại rét) khiến nhiều người bị cảm cúm, sốt, cảm giác mệt mỏi, đau nhức xương khớp… Thời tiết thất thường đã ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người dân.
Dự báo chiều 8/3, một số nơi ở Hà Nội và khu vực Đông Bắc bộ đã có mưa phùn, mưa bụi. Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, từ đêm 9/3 đến 12/3, Bắc bộ mưa nhỏ, đêm và sáng trời rét. Từ ngày 13 đến 17/3, tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù tái xuất diện rộng ở Đông Bắc bộ.
Như vậy, dự báo tình trạng nồm ẩm ở miền Bắc sẽ tái xuất, kéo dài nhiều ngày tới. Người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe và vệ sinh nhà cửa, tránh để gió lùa mang hơi ẩm.
Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế cũng có mưa đầu tuần sau kèm trời rét. Từ Đà Nẵng trở vào phía Nam, trời nắng, chiều tối và đêm mưa rào cục bộ. Riêng miền Đông Nam bộ vẫn có nắng nóng (riêng ngày 9/3, cường độ nắng nóng dịu hơn).
Nhận định về tình hình thời tiết trong tháng 3, cơ quan khí tượng dự báo, trong nửa đầu tháng 3, không khí lạnh sẽ tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta, nhưng ở cường độ yếu hơn những đợt trước, ít có khả năng gây nên rét đậm, rét hại như những đợt vừa qua. Khu vực phía Đông Bắc Bộ vẫn có khả năng xảy ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.
Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của phía đông Bắc Bộ, xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao đến 90% khiến hơi nước trong không khí bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt của đồ vật. Mùa nồm thường xuất hiện vào khoảng tháng 2 - 4 (gần cuối mùa xuân) và khá phổ biến ở khu vực miền Bắc Việt Nam
thời tiết trời nồm sẽ khiến sàn nhà đọng nước rất dễ gây té ngã và dẫn đến chấn thương đối với người già và trẻ em.
Trời nồm sẽ làm cho lỗ chân lông bị bí, làm cho quá trình bài tiết của cơ thể không còn hiệu quả. Điều này sẽ gây khó chịu cho cơ thể, dẫn đến mệt mỏi và đau nhức.
Độ ẩm cao còn trực tiếp ảnh hưởng đến các niêm mạc của phế quản, làm bùng phát các bệnh về đường hô hấp mãn tính như viêm phổi hay hen phế quản.
Vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, nảy nở còn dẫn đến các bệnh ngoài da như thủy đậu hay ban đỏ.
Vào những tháng giao mùa, bắt đầu tử tháng 2 đến tháng 4 dương lịch, độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, nên đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Một số người cho rằng, mở cửa mới thoáng nhưng càng mở cửa những ngày thời tiết độ ẩm cao thì độ ẩm trong nhà càng nhiều. Nền nhà và tường khi đó sẽ càng đọng mồ hôi trên bề mặt. Theo đó, để giảm nền nhà ướt bạn không bật quạt mà bật điều hòa chế độ hút ẩm, dùng khăn giẻ khô lau sàn.
Ngoài ra bạn cần lưu ý các thiết bị điện tử trong nhà nên để cao hơn mặt đất 50 cm-1 m và cách tường 10-15 cm. Tránh kê trực tiếp đồ điện như tivi, điện thoại, máy tính... xuống nền nhà hoặc kê sát tường để tránh hiện tượng rò rỉ điện.
Trúc Chi (t/h)