Ngày 22/9, theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mực nước các sông suối trên hệ thống sông Đồng Nai ở mức cao gần báo động 3, có nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối.
Mực nước lúc 7h sáng 22/9 tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) ở mức 112,76m, trên mức báo động 2 (0,26m). Tại trạm Biên Hòa đỉnh triều vào chiều 21/9 gần đạt mức báo động 2 (2m).
Dự báo trong 24 giờ tới, mực nước sông Đồng Nai có thể tiếp tục tăng và có thể đạt mức báo động 3, tương đương 113,00 m.
Mực nước các trạm còn lại biến đổi chậm, mực nước đỉnh triều cao tại Biên Hòa xuống chậm, còn duy trì giữa mức báo động 1 (1,8m) và báo động 2 (2m).
Những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và các xã: Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán; huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ.
Các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch thuộc; huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên thuộc (tỉnh Bình Dương) và thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu).
Người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán; vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Nai, tình hình mưa lũ trên sông Đồng Nai hiện đang diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lượng mưa lớn ở các địa phương đầu nguồn, cùng với lịch xả lũ từ các hồ thủy điện không thể dự báo chính xác.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân và các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là mực nước sông để có giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại do nước dâng cao gây ra ngập lụt.