Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào hồi 10h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 290km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 210km, cách Phú Yên khoảng 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10h ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục suy yếu.
Về tuyến biển, trên biển còn 4 tàu kiểm ngư (KN 490, 463, 465, 473) với 140 thủy thủ đang tìm kiếm các thuyền viên trên 2 tàu Bình Định bị chìm trong bão số 9.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá với 233.327 lao động, 48.330 tàu với 220.560 lao động đang neo đậu tại bến (theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sau bão số 9, phần lớn tàu thuyền neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ).
Tuyến bờ hiện nhà cửa bị sập đổ, hư hỏng do bão số 9 đang được khôi phục, sửa chữa (690 nhà bị sập đổ; 148.999 nhà bị hư hỏng, tốc mái). Giao thông còn 14 điểm sạt lở chưa thông xe trên QL 49 (Thừa Thiên Huế), đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Đê biển hiện có tỉnh Bình Định đang tập trung xử lý sự cố sạt lở kè biển Tam Quan với chiều dài khoảng 1.600 m và nhiều đoạn đê, kè bị bồi lấp, hư hỏng; Quảng Nam có 5.100 m đê bị sạt lở, hư hỏng (Duy Xuyên: 50 m, Núi Thành 5.00 0m, Hội An 50 m).
Khu vực miền núi, tại khu vực Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), hiện đang có 1.208 cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và nhân dân trong khu vực cần bảo đảm an toàn.
Một số khu vực bị cô lập: Các xã Phước Công và Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam); xã Hưng Nhân, Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Về hồ chứa thủy lợi: Hiện có 20 hồ chứa vừa và lớn từ Quảng Trị - Khánh Hòa đã đầy nước, 9 hồ đạt dung tích trên 90%, 3 hồ đang xả tràn (Tả Trạch, Thuận Ninh, Hòn Lập).
Về hồ chứa thuỷ điện, khu vực Trung Bộ có 49 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn (Bắc Trung Bộ 13; Duyên hải Nam Trung Bộ 16; Tây Nguyên 20).
Hoàng Mai