Cảnh báo nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Hàn Quốc

Cảnh báo nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Hàn Quốc

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Trong một bài viết đăng trên tạp chí uy tín OilPrice, tiến sỹ John CK Daly của Đại học London đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân tại Hàn Quốc.

Trong khi thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản năm 2011 còn để lại di họa nặng nề thì một quốc gia châu Á khác đang có nguy cơ đi vào vết xe đổ này, đó chính là Hàn Quốc. Hai quốc gia láng giềng, có nhiều nét tương đồng đều đang gặp phải những vấn đề hóc búa với nguồn điện hạt nhân của mình.

Sáng kiến Nguyên tử cho hòa bình năm 1953 của Tổng thống Mỹ Eisenhower đã được các nước Đông Á nhiệt tình đón nhận. Nhật Bản hưởng ứng đầu tiên với 50 lò phản ứng được xây dựng từ đầu những năm 1960 cho đến khi thảm họa Fukushima năm 2011 xảy ra. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ từ bỏ điện hạt nhân trong vòng 30 năm nữa. Hàng loạt các dự án chưa hoặc đang triển khai dang dở đều bị dừng lại.

Thế giới - Cảnh báo nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Hàn Quốc

Liệu Hàn Quốc có trở thành một Chernobyl của châu Á?

Hàn Quốc bước vào ngành công nghiệp điện hạt nhân chậm hơn nhiều so với Nhật Bản. Mãi tới năm 1978, Gori - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này mới được xây dựng. Nền kinh tế phát triển nhanh, trong khi hầu như không có tài nguyên dầu mỏ hay than đá, khiến việc nước này phát triển lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân là một tất yếu. Các lò phản ứng liên tục được xây dựng, cung cấp 1/3 điện năng cho cả nước, vào khoảng 140,4 tỷ Kwh/năm.

Theo kế hoạch, đến năm 2022 Hàn Quốc sẽ xây dựng thêm 12 lò phản ứng hạt nhân và tăng lên đến 16 lò vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện hạt nhân của Hàn Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ tiềm tàng.

Chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kết thúc không phải bởi một hiệp ước hòa bình mà là một hiệp ước đình chiến. Về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh từ hơn nửa thế kỷ nay. 23 lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc, vốn cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu điện năng cho cả nước, đang nằm trong một khu vực có nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Ngoài mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, tình trạng thiếu an toàn của các lò phản ứng cũng khiến dư luận nước này nhiều phen rúng động. Hàng loạt các sự cố với các mức độ nghiêm trọng khác nhau đã liên tiếp xảy ra. Năm 2012, vào tháng 2, nhà máy điện hạt nhân Gori già cỗi đã mất điện hoàn toàn trong một thời gian ngắn, các máy phát điện khẩn cấp đã không hoạt động.

Đến tháng 7, nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 Megawatt tại Yeonggwang, cách thủ đô Seoul 156 dặm về phía nam, đã tự động dừng hoạt động sau khi xảy ra sự cố. Gần đây nhất, ngày 02/10, hai nhà máy tại tỉnh Yeonggwang và Shingori đều phải dừng hoạt động do sự cố về điều khiển.

Trước những lời chỉ trích, Chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt công tác an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Các hoạt động thanh tra cũng được tiến hành thường xuyên và nghiêm ngặt hơn.

Tuy vậy, các lời kêu gọi xóa bỏ điện hạt nhân vẫn được đưa ra từ chính một bộ phận người dân nước này, những người không muốn đánh đổi sự phát triển kinh tế bằng tương lai con em mình.

Mỹ nỗ lực thuyết phục đồng minh Hàn Quốc

Mặc dù Seoul bị cấm làm giàu uranium bởi Hiệp định Hợp tác hạt nhân Mỹ-Hàn, nhưng Washington luôn lo ngại tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể khiến đồng minh của mình bước vào cuộc chạy đua. Hiệp định Hợp tác này sẽ hết hiệu lực vào tháng Ba năm 2014 và Hoa Kỳ đang phải vất vả trong các cuộc đàm phán để thuyết phục Hàn Quốc từ bỏ ý muốn dỡ bỏ điều khoản cấm đoán kia.

Thanh Tùng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.