Nữ sinh có nick name Nina tên thật là Đ.T.V.T, sinh năm 2000, hiện đang là học sinh trường THCS P.B.C. (TP.HCM). Mục đích tung clip trên lên mạng của nữ sinh này chỉ để mong nổi tiếng (!?).
Kèm theo clip đó, T. còn viết: "Thực sự mình rất muốn nổi tiếng. Cuộc sống sẽ vui vẻ hơn nếu có nhiều sự ồn ào xung quanh. Mình cô đơn nhiều rồi và không muốn điều đó nữa. Thà bị ném đá còn hơn không ai biết mình. Theo mình thấy bà Tưng cũng không có gì là xấu. Đẹp thì khoe, đâu hại gì ai, cũng đâu phải bắt buộc phải coi và chấp nhận. Đó chỉ là một trò vui thôi. Không có gì đáng lên án cả".
Do đâu mà khi mong muốn nổi tiếng, nữ sinh này lại không cố gắng học tập, hoặc luyện bất cứ môn năng khiếu nào? Tại sao lại chỉ đơn giản là sexy, là trút bỏ xiêm y, là tổng hợp của những chiêu trò nhố nhăng?
Bắt đầu từ khi nhân vật có tên "bà Tưng" (tên thật Lê Thị Huyền Anh) xuất hiện trong những bộ quần áo kiệm vải hết mức, có những động tác phản cảm như ngậm bao cao su, kèm theo những phát ngôn gây sốc, dù có nhiều ý kiến phê phán thế nhưng, cái tên "bà Tưng" vẫn nổi như cồn. Chỉ trong thời gian ngắn, trang facebook cá nhân của "bà Tưng" có gần 300.000 lượt người theo dõi. Trong số đó, có người đồng tình, có người phản ứng nhưng họ vẫn muốn theo dõi tất cả hoạt động của cô gái này. Nghĩa là họ quan tâm.
Hình ảnh phản cảm trong clip của nữ sinh 10X Đ.T.V.T.
Giới trẻ a dua, ủng hộ, cổ vũ đã là một nhẽ. Thế nhưng, có rất nhiều bậc đáng tuổi cha, chú của cô gái Huyền Anh này cũng lên tiếng bênh vực khi có thông tin cô gái này bị cấm biểu diễn ở một quán bar. Sau đó, ngày 7/8, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn, bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký công văn gửi sở VH-TT-DL các tỉnh, thành trên cả nước yêu cầu tạm dừng cấp phép biểu diễn, kể cả trong quán bar cho "bà Tưng" - Lê Thị Huyền Anh. Một số người có tuổi, công tác trong lĩnh vực truyền thông (mà tôi không tiện nêu tên) đã bày tỏ mong muốn có quan điểm về công văn của cục Nghệ thuật biểu diễn dưới góc độ pháp luật. Theo người này thì chỉ tòa án mới có quyền cấm ai đó hành nghề trên cả nước.
Ở đây, xin phép không bàn chi tiết về cái đúng, cái sai trong văn bản của cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhìn dưới góc độ văn hóa của người Việt, việc làm của Lê Thị Huyền Anh thể hiện sự tha hóa trong cách nhìn của giới trẻ, việc họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nổi tiếng. Nhiều thông tin còn cho rằng, đứng sau Lê Thị Huyền Anh là cả một ê kíp với chiến thuật giúp cô nổi tiếng. Việc làm của "bà Tưng" cùng ê kíp làm đảo lộn giá trị cuộc sống, ngoài ra còn đầu độc một bộ phận giới trẻ. Sự việc của nữ sinh thế hệ 10X tên Đ.T.V.T. kể trên là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp khác học đòi "bà Tưng". Và, người viết bài có thể dám chắc, nếu những việc làm, hành động, lời nói phản cảm của cô gái có tên "bà Tưng" tiếp tục được lan truyền thì sẽ còn rất nhiều hệ quả xấu cho cả một bộ phận người trẻ hiện nay.
Không chỉ riêng nữ sinh Đ.T.V.T. cũng có lối suy nghĩ đồng tình với Lê Thị Huyền Anh. Hẳn ai cũng nhớ doanh nhân, diễn viên, Lê Đình Hùng (thường gọi là Hùng Cửu Long) đã nhận xét: "Phải khen ngợi cô ấy vì đã dám làm cái việc mà không ai dám làm". Nhiều người khác thì tung hô "bà Tưng": "Em không như nhiều người đạo đức giả trong xã hội. Em dám làm, dám nhận và dám chịu"... Có ai dám chắc rằng, việc khoe thân phản cảm ấy không làm hại hoặc gây tác động xấu đến giới trẻ? Cái hại trước mắt mấy ai nhìn thấy, chỉ đến khi lối suy nghĩ đi trái thuần phong mỹ tục ấy ăn sâu vào tiềm thức người trẻ mới là điều đáng sợ. Ở ranh giới giữa người trẻ và người trưởng thành, nếu tiếp nhận (có thể bắt buộc hoặc tự nguyện) thông tin không có tính giáo dục thì sẽ hướng những người trẻ đó đến những việc làm sai trái.
Đáng ngại, giới trẻ sẽ không còn phân biệt được những gì nên và không nên làm. Trong một lần trò chuyện với một nhà xã hội học gần đây về những trò lố của một bộ phận người trẻ, tôi nhớ ông bảo: "Giới trẻ hiện nay đang cố khẳng định cái tôi nhưng đó chỉ là cái tôi vị kỷ, lệch lạc, nổi loạn. Những thông tin thả nổi trên internet có nội dung không lành mạnh vô hình trở thành những gợi ý cho những thanh, thiếu niên có nhân cách không đủ vững vàng ấy bắt chước, học đòi". Sẽ rất nguy hiểm nếu cả một lớp các em gái sau bị nhiễm lối suy nghĩ, cứ khoe thân là có thể trở thành hotgirl.
Nhiều người hiện nay, chứ không riêng gì lớp trẻ đang học theo lối sống phương Tây. Nhưng đã học thì phải biết tiếp thu có chọn lọc từ tất cả những thứ tạm gọi là "học đòi" ấy cùng với đó là phải gìn giữ những gì thuộc về bản sắc dân tộc. Bảo thủ và cổ hủ ư? Có hề gì khi những gì là vẻ đẹp đoan trang, giản dị mà kiêu sa lên ngôi? Trộm nghĩ, liệu có bạn trẻ nào sẽ đặt câu hỏi: "Người nước ngoài nên bắt chước phụ nữ Việt về ăn mặc" hay chưa?
Yến Dương