Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ về trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn.
Theo đó, bệnh nhi đầu tiên là L.N.D, 17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, nhập viện trong tình trạng có nhiều đường rách lớn vùng hàm mặt, vết thương thiếu hổng nhiều vùng da, lộ tổ chức cơ, mỡ, xương, răng. Sau khi tiếp nhận, bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành phẫu thuật trong đêm suốt 3,5 giờ đồng hồ với 7m chỉ để khâu lại toàn bộ vùng mặt cho bệnh nhi này.
Bệnh nhi thứ 2 là Đ.Q.V., 18 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương bị chó hàng xóm cắn, nhập viện trong tình trạng có 1 đường rách lớn trên má phải. Bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1.
Bệnh nhi thứ 3 là bệnh nhi L.N.G.H., 19 tháng tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh được cấp cứu trong tình trạng bị rách vùng má phải với vết thương lớn, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ. Bệnh nhi bị cắn trong lúc lại gần khi chó đang ăn. Các bác sĩ mất hơn 3 giờ đồng hồ với 5m chỉ để khâu vá lại vết thương.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, việc trẻ bị chó cắn, bệnh viện từng cấp cứu rất nhiều bệnh nhi. Đây là 3 trường hợp mới nhất đơn vị này tiếp nhận tai nạn thương tích trẻ em liên quan đến chó cắn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, những vết thương do chó cắn để lại trên cơ thể các bé, nhất là vùng mặt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ các bé sau này.
Các bác sĩ bệnh viện phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ trong quá trình phẫu thuật, để đưa khuôn mặt các bé trở về hình dạng ban đầu. Cũng theo bác sĩ Hằng, nhiều gia đình có con nhỏ bị chó cắn, xử trí thiếu bình tĩnh sẽ gây thiệt thòi cho các bé.
Việc đầu tiên nếu bị chó cắn trọng thương, phụ huynh nên bình tĩnh, sát trùng vết thương, chuyển bé đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được sơ cấp cứu, đến các bệnh viện để được can thiệp kịp thời.