Béo phì ở phụ nữ là tình trạng tăng trọng lượng cơ thể mạn tính do tăng khối lượng mỡ quá mức và không bình thường, liên quan đến dinh dưỡng và chuyển hóa. Ngoài những nguy cơ cho chính bản thân người phụ nữ thì điều này còn ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi ngay từ giai đoạn đầu hình thành phôi thai mà ít ai để ý. Vậy nó nguy hiểm như thế nào ?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Trần Vũ Quang (khoa Sản, bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã đưa ra 5 cảnh báo về việc phụ nữ béo phì ảnh hưởng đến việc thụ thai và hình thành phôi thai.
1. Khó thụ thai: Đó là biến chứng gây rối loạn nội tiết gây nên.
Béo phì gây rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, từ đó dẫn đến tình trạng khó thụ thai. Rối loạn nội tiết làm cho hoàng thể chức năng bị thiếu và thời kỳ hoàng thể ngắn có thể dẫn đến nội mạc tử cung phát triển không tốt, làm cản trở sự rụng trứng.
Triệu chứng biểu hiện ở cơ quan sinh dục của người phụ nữ béo phì là rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (hành kinh không đều, lượng máu ra quá nhiều hoặc quá ít…), liên quan mật thiết với hội chứng buồng trứng đa nang, tăng đề kháng insuline. Những rối loạn nội tiết này ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến quá trình phát triển của trứng và việc rụng trứng bình thường.
Ngoài ra, trong giai đoạn khi trứng đã rụng thì tình trạng thừa cân của bạn cũng làm cho trứng khó có thể thụ tinh và làm tổ bình thường. Từ đó, gây ra khả năng vô sinh cao ở phụ nữ.
2. Khả năng phôi thai chết cao
Béo phì làm tăng khả năng viêm nhiễm, giảm khả năng sống của trứng và phôi thai. Đối với cơ thể người có quá nhiều mỡ, môi trường xung quanh nuôi dưỡng cho trứng phát triển và môi trường noãn bào có sự thay đổi lớn so với người bình thường. Đặc biệt, hàm lượng các chất chuyển hóa và hormone nam tăng rất cao.
Điều đó kéo theo những chuyển hóa nhạy cảm của trứng, kết quả là gây nguy hại nghiêm trọng cho quá trình thụ thai. Thêm nữa, hiện tượng viêm nhiễm có thể làm hại các tế bào và nếu nó xảy ra với trứng thì sẽ tác động xấu đến sự "sống sót" của bào thai.
3. Phôi thai kém chất lượng
Chất lượng của phôi thai ở những phụ nữ mắc chứng béo phì kém hơn bình thường. Quá trình thụ tinh và làm tổ trong tử cung cũng rất mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chuyển hóa, dẫn đến nhiều triệu chứng bất thường của căn bệnh vô sinh.
Béo phì sẽ dẫn đến sự rối loạn nội tiết trong cơ thể và gây ra các bệnh lý như tim mạch hay huyết áp, ảnh hưởng tới quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn. Trường hợp bạn đang trong giai đoạn điều trị hiếm muộn theo sự chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa mà có thêm chứng béo phì, cơ thể bạn chắc chắn sẽ có nhiều biến đổi ảnh hưởng không tốt tới việc điều trị, nhất là những biến đổi về nội tiết liên quan đến khả năng sinh sản.
Theo đó, hiện tượng thừa cân quá mức khiến cho việc đáp ứng các kỹ thuật trị liệu chứng hiếm muộn ở phụ nữ trở nên kém linh hoạt. Nếu không tìm ra giải pháp khả thi thì rất có thể hiếm muộn sẽ nhanh chóng chuyển thành vô sinh.
4. Dễ sảy thai, dọa đẻ non
Sự "phát triển" của chứng béo phì còn tỉ lệ thuận với khả năng sảy thai. Khi thai lớn tuần dễ doạ đẻ non. Biểu hiện của thai phụ là các cơn đau bụng thành cơn, ra máu âm đạo.
Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, tỉ lệ sảy thai của thai phụ béo phì cao có thể vì bản thân chất lượng phôi kém như đã nói ở trên cộng với những thay đổi bất lợi của lớp nội mạc tử cung do béo phì gây nên. Tất cả đều làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
5. Tăng nguy cơ chết lưu
Phụ nữ béo phì làm tăng các biến cố sản khoa bao gồm nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi, tiền sản giật, mất tim thai trong bụng mẹ... Các biến chứng tăng huyết áp, tim mạch, đái đường... của người mẹ sẽ gây nên các bệnh lý nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi.
N.Giang