Theo tin tức từ báo Thanh niên, ngày 5/8, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị này đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang viện Kiểm sát cùng cấp, đề nghị truy tố Phan Văn Minh (ngụ ấp Cái Đôi Nhỏ B, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau), Trần Thị Loan (cùng 24 tuổi, ngụ ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), Trần Văn Ngọc (23 tuổi, tạm trú thôn Tây Lạc, ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) và Nguyễn Văn Phúc (30 tuổi, ngụ tổ 1, ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, cùng tỉnh Đồng Nai) cùng về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, Trung tá Hoàng Ngọc Đạo, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngày 18/8/2017, nơi đây tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà Ngô Thị T. (SN 1971, ngụ phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) về việc bị người khác chiếm đoạt số tiền 46.750.000 đồng.
Trong đơn, bà T. cho rằng, bản thân bà chỉ mở một tài khoản tại ngân hàng V. Lần đầu, bà làm hồ sơ vay vốn 200 triệu đồng. Sau đó, bà được ngân hàng V. tiếp tục cho làm hồ sơ vay vốn số tiền 48,5 triệu đồng.
Đến ngày 31/7/2017, ngân hàng đồng ý cho vay thêm và tiến hành giải ngân. Đến 11h16, ngày 31/7/2017, bà nhận được tổng đài ngân hàng gửi tin nhắn có mã OTP và đề nghị không tiết lộ cho người khác.
5 phút sau, có một người nữ nói giọng miền Bắc gọi đến số điện thoại của bà nói: “Chị ơi, em là nhân viên ngân hàng, chị cho em xin lại 2 mã OTP để em kích hoạt cho chị rút tiền”.
Tin tưởng, bà T. đã gửi mã OTP vào số điện thoại di động trên. Ngày hôm sau, bà đến ngân hàng rút tiền thì nhân viên nói không có tiền giải ngân.
Kiểm tra hồ sơ, toàn bộ số tiền của bà T. được chuyển vào một tài khoản và rút tại trụ ATM TP.Bạc Liêu.
Sau đó, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu xác minh đã phát hiện ra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng tại ngân hàng V. khắp cả nước.
Cụ thể, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn truy cập vào hệ thống FinnOne (hệ thống quản lý thông tin khách hàng) của ngân hàng, phát hiện tài khoản nào đã và đang được giải ngân trong hệ thống có số tiền vay lớn liền giả làm khách hàng gọi điện cho tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để hỏi số tài khoản.
Sau đó, bọn chúng đăng nhập vào tài khoản rồi đăng ký dịch Internet Banking (giao dịch chuyển tiền qua mạng). Hệ thống sẽ gửi một mật khẩu gồm 8 ký tự (gồm chữ cái và số) vào số điện thoại của khách hàng đăng ký trong tài khoản.
Để lấy mật khẩu trên, các đối tượng dùng điện thoại di động gọi cho khách hàng giả là “nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân” đề nghị khách hàng gửi mật khẩu lại để thực hiện giải ngân.
Vì mất cảnh giác nên khách hàng gửi mật khẩu OTP cho các đối tượng. Nhận được mật khẩu, bọn chúng đăng nhập vào tài khoản thực hiện thao tác chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng khác”.
Cũng theo báo Thanh niên, để "tăng tính bảo mật" cho các hành vi phạm tội của mình, Minh, Phúc, Loan, Ngọc đã cùng nhau mượn của các tài xế taxi, hoặc tìm cách mua lại các thẻ ATM của người khác.
Khi mua thẻ ATM, các nghi phạm viện ra nhiều lý do để che giấu ý đồ phạm tội và yêu cầu người bán thẻ phải tự đăng ký dịch vụ Internet Banking.
Sau khi chuyển tiền từ tài khoản nạn nhân sang tài khoản thẻ ATM đã chuẩn bị, nhóm nghi phạm thay phiên nhau đi rút tiền ở các trụ ATM. Khi rút tiền, các nghi phạm này còn cẩn thận che camera tại trụ ATM hoặc ăn mặc kín đáo để camera không ghi nhận được hình ảnh nhận dạng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu xác định, đến thời điểm hiện tại, các nghi phạm trên đã thực hiện 13 vụ xâm nhập tài khoản ngân hàng của 13 bị hại ngụ tại, TP.Cần Thơ, TP.HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Dương… chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.
Mộc Trà (tổng hợp)