Thủ đoạn tinh vi
Sáng 11/5, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận thông tin cầu cứu của chị T.T.N.D. (ngụ huyện Gò Dầu) về việc bị lừa đảo việc làm trên không gian mạng.
Chị D. kể lại: “Vào ngày 25/4, tôi vào mạng telegram và truy cập vào đường link của trang quảng cáo tìm kiếm việc làm. Sau đó, tôi được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và số điện thoại. Đến 10h ngày 26/4, người phụ nữ tên Thảo điện thoại cho tôi. Đối tượng tự giới thiệu là nhân viên phòng nhân sự làm việc tại Hội sở một ngân hàng. Tiếp đó, Thảo thông báo rằng, đã nhận được hồ sơ và yêu cầu của mình tạo địa chỉ WorkChat để được phỏng vấn online”.
Ngày 27/4, Thảo đưa chị D. vào nhóm phỏng vấn sơ tuyển. Trúng tuyển, chị D. được nhận vào nhóm dự án. Nhóm này gửi cho chị D. các lệnh để thực hiện. Mỗi lần, chị D. phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng yêu cầu. Hoàn thành nhiệm vụ, chị D. sẽ được trả cho số tiền lãi lớn trong tài khoản ảo mà chúng cung cấp cho nạn nhân.
Thấy dễ kiếm tiền, chị D. nhiều lần nạp tiền cho chúng với tổng số tiền 123.300.000 đồng. Lúc này, trong tài khoản ảo mà các đối tượng cung cấp cho chị D. thể hiện số tiền 466.739.400 đồng.
Chưa dừng lại, chúng đưa ra nhiệm vụ cuối cùng để chị D. rút được số tiền trên. Theo đó, chị D. phải nạp thêm 195.000.000 đồng. Do chị D. không còn tiền để nạp nên chúng đã đẩy nạn nhân ra khỏi nhóm. Lúc này, chị D. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an cầu cứu.
Mất tiền tỷ với sàn chứng khoán ảo
Trước đó ngày 7/5, bà V.T.T. (trú phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cũng đã đến cơ quan công an trình báo, việc bà bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo mất hơn 1 tỷ đồng, xong lại tiếp tục bị dính bẫy dịch vụ "lấy lại tiền" và mất thêm hơn 300 triệu đồng.
Theo nội dung vụ việc, thì bà V.T.T. thường xuyên sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook để kết bạn trò chuyện với mọi người.
Cách đây khoảng 3 tháng, có tài khoản Facebook tên “Nguyen Hoang Nam” kết bạn và nhắn tin làm quen thì bà T. đồng ý. Hàng ngày nhắn tin trao đổi qua lại về cuộc sống và hỏi thăm về sức khỏe, công việc, gia đình.
Đến ngày 20/03 tài khoản Facebook “Nguyen Hoang Nam” tư vấn, giới thiệu tham gia gói đầu tư chứng khoán thông qua trang web https://mexcglobaliapp.vip và cam kết sẽ được lợi nhuận từ 10-30% theo gói đầu tư thì bà T. đồng ý.
Sau đó, đối tượng đã gửi cho bà đường link web https://mexcglobaliapp.vip và hướng dẫn đăng ký tài khoản.
Sau khi đăng ký tài khoản thành công, từ ngày 21/3 đến ngày 28/3, bà T. đã chuyển khoản 9 lần vào các tài khoản ngân hàng do bộ phận “Chăm sóc khách hàng” của trang web https://mexcglobaliapp.vip cung cấp với tổng số tiền 350 triệu đồng để đặt mua 8 mã lệnh theo hướng dẫn.
Sau khi đặt mua 8 mã lệnh, lúc này tài khoản trên sàn MEXCGL của bà T. hiển thị số tiền 385 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi. Bà T. đã thử rút tiền lãi về tài khoản ngân hàng cá nhân thì rút được 35 triệu đồng.
Bà T. thấy việc tham gia đầu tư có lợi nhuận và rút được tiền nên tin tưởng trang web https://mexcglobaliapp.vip đầu tư chứng khoán là thật nên tiếp tục tham gia đầu tư để thu lợi nhuận.
Tiếp đó, từ ngày 2/4 đến 9/4 tiếp tục chuyển khoản tiền đầu tư tổng cộng 7 lần với số tiền 838.000.000 đồng.
Tuy nhiên, sau đó bà T. thực hiện rút tiền gốc và lợi nhuận thì không thể rút được tiền. Bà T. đã liên hệ bộ phận “Chăm sóc khách hàng” thì được trả lời là phải đặt tiền cọc xác minh, phí giải ngân, phí bảo hiểm nếu không sẽ đóng băng tài khoản.
Lúc này, bà T. nghi ngờ mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 1,18 tỷ đồng nên không tham gia đầu tư nữa.
Tiếp tục dính bẫy
Đến ngày 14/4 có một đối tượng giới thiệu tên là Quỳnh liên lạc với bà T., tự giới thiệu làm bên tài vụ chuyên hỗ trợ giải ngân tất toán các tài khoản bị treo trên không gian mạng và lấy lại tiền bị lừa đảo trên không gian mạng.
Do mất số tiền lớn, bà T. xót của mong muốn lấy lại tiền nên đã nhờ Quỳnh tra soát số tiền bị treo và truy thu lại số tiền 1,18 tỷ đồng.
Lúc này đối tượng cho biết số tiền đó đang “bị treo trên mạng” và đang bị công an và cơ quan thuế điều tra, muốn lấy lại phải đóng phí ủy quyền cho Quỳnh là 26 triệu đồng.
Bà T. thực hiện theo. Lúc này Quỳnh điện thoại nói là nội dung ủy quyền ghi chữ in thường không đúng theo quy định nên phải xin mã lệnh lần 2 và phải đóng thêm 26 triệu đồng nữa.
Sau khi đóng tiền lần 2 xong, đối tượng xác nhận ủy quyền thành công và cho bà T. vào group (nhóm), trong nhóm có 3 người. Sau khi tham gia vào group thì đối tượng yêu cầu phải đóng thêm 260 triệu đồng để tất toán và giải ngân; người trong nhóm, ai đóng sau thì phải chịu phí VAT 20% là 678 triệu đồng.
Do lúc này bà T. không còn tiền để đóng, nên nói sẽ ngưng không tham gia thì đối tượng nói sẽ giảm cho bà 10% còn 339 triệu đồng.
Lúc này, bà T. đi vay mượn 250 triệu đóng phí, còn lại 91 triệu sẽ xoay và đóng sau. Tuy nhiên, bà T. không vay được ai, trong nhà không còn tiền. Thấy đã lâu bà T. không có động thái đóng tiền, đối tượng liên tục hối thúc.
Lúc này, bà T. nghi ngờ bị chính các đối tượng lừa đảo đầu tư chứng khoán lừa đảo lần 2, nên đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết.
Khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác
Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân, đây là thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng không phải là thủ đoạn mới, hình thức lừa đảo tương tự đã được đăng tải trên các cơ quan báo chí truyền thông chính thống, các trang thông tin điện tử chính thống của cơ quan công an…
Qua vụ việc trên, Công an tỉnh Bình Phước đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên. Không tham gia đầu tư chứng khoáng hoặc các hình thức đầu tư khác trên các app (ứng dụng) không chính thống. Bởi, các đối tượng bằng hình thức công nghệ cao có thể tạo ra những đường link, ứng dụng gần giống với cái ứng dụng của các tổ chức, cá nhân chính thống.
Nếu là nạn nhân bị lừa mất tiền trên không gian mạng thì cần lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào nói có thể “lấy lại tiền” mà phải chuyển phí trước.
Đồng thời, đề nghị người dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoặc những ai là nạn nhân thì cần trình báo, tố giác ngay với cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.