Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng SIM rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có nhiều diễn biến phức tạp.
Thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy SIM rác đang bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng…) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử ảo để rửa tiền; đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram, Wechat… để hoạt động lừa đảo, đăng tải thông tin sai sự thật…
Mặc dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh mẽ trong công tác rà soát, xử lý đối với các SIM rác nhưng thực tế cho thấy lượng SIM rác trôi nổi trên thị trường vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy số tiền thu lợi từ hoạt động mua bán SIM rác không lớn (chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/giao dịch) nhưng các đối tượng có thể giao dịch, lưu thông ra ngoài thị trường vài trăm đến hàng nghìn SIM rác.
Điều này gây ra hệ lụy không hề nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ để các đối tượng sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân không mua SIM thuê bao đã kích hoạt sẵn. Khi mua và sử dụng những SIM loại này, người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ.
Các trường hợp mua bán, sử dụng SIM rác để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều vi phạm pháp luật, và có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ.
Người dân khi phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh SIM rác, SIM không chính chủ cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
T.M