Ngày 7/11, Công an tỉnh Bình Dương vừa thông báo, trong giai đoạn 2018-2020, đơn vị đã tiếp nhận 44 vụ, 90 đối tượng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Cơ quan này đã khởi tố 37 vụ, 75 đối tượng, xử phạt hành chính 02 vụ, 05 đối tượng.
Đối với tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp 38 vụ, 65 đối tượng, trong đó đã khởi tố 29 vụ, 50 đối tượng.
Theo đó, các đối tượng trong đường dây tín dụng đen, cho vay lãi rất tinh vi. Nhóm này thường tiếp cận người vay bằng cách phát tờ rơi quảng cáo, nội dung là hỗ trợ tài chính, không cần thế chấp giấy tờ, giải ngân nhanh.
Do hoạt động phi pháp, nên các đối tượng thường hoạt động núp bóng dưới vỏ bọc các công ty cho thuê tài chính, cơ sở cầm cố thế chấp tài sản vay…
Khi người dân có nhu cầu vay vốn thì chúng sẽ dùng các loại hợp đồng như: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, cho thuê ô tô, xe máy…
Trong trường hợp con nợ mất khả năng thanh toán, nhóm đối tượng cho vay sẽ sử dụng các biện pháp đòi nợ như cho các đối tượng lưu manh, xăm trổ đến gây sức ép, dọa dẫm, dùng vũ lực, ném sơn, chất bẩn vào nhà con nợ hay kéo đông người đến nhà riêng, gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần…
Nhiều trường hợp, các đối tượng đòi nợ thuê thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…
Để siết chặt và ngăn chặn các hành vi của nhóm cho vay tín dụng, Công an Bình Dương đã chủ động tổ chức phối hợp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh có văn bản thống nhất liên ngành trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trong đó, thống nhất quan điểm xử lý, cách tính lãi suất, cách tính thu nhập bất chính.
Ngoài ra, Công an tỉnh này cũng liên tục triển khai hình thức tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với tội phạm này, cảnh báo người dân, công nhân lao động tuyệt đối không được vay tín dụng đen.