Thời gian vừa qua, tại Hà Tĩnh liên tục xảy ra tình trạng chó tấn công người. Điển hình, tối 10/4, có 5 người bị con chó nuôi của gia đình anh Phan Hữu Long (trú tại khối 4, thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn) bất ngờ lao vào cắn, trong đó, bé gái 5 tuổi N.T.A.T. bị thương nặng nhất. Bé có nhiều vết thương sâu ở phần miệng, phải khâu 13 mũi. Mặt, tay và chân của bé cũng có nhiều vết cắn sâu và trầy xước do bị chó cào cấu.
Ngày 17/4, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu cho bệnh nhi N.C.C (4 tuổi, trú tại huyện Cẩm Xuyên) bị thương do chó béc giê của nhà cắn. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều. Đặc biệt, ở vùng đầu có một vết thương rách da đầu dài khoảng 15cm, mặt có nhiều vết xước, mắt phải bị tổn thương vùng mí.
Tiếp đó, 1 ngày sau, bà Lương Thị Dung (65 tuổi), nữ lao công của trường Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh) đột nhiên bị con chó lai của một nam sinh trong trường, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lao đến cắn. Bà Dung bị thương khá nặng ở vùng mặt và đầu, nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi sơ cứu vết thương bà Dung đã được bác sĩ chuyển ra một bệnh viện ở Nghệ An điều trị… Ngoài Hà Tĩnh, một số địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Trước tình trạng chó tấn công người xảy ra liên tiếp, có tính chất rất nghiêm trọng, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, cán bộ phòng Hành chính tổng hợp, chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông Nam, những vụ việc chó tấn công người ở Hà Tĩnh gần đây chưa xác định là chó có mắc bệnh dại hay không. Bởi khi bị chó cắn, người dân, chủ nuôi không thông báo với chính quyền địa phương nên việc kiểm soát rất khó khăn. Số liệu mà đơn vị nắm được chỉ khi người dân bị cắn, đến tiêm tại các cơ sở y tế dự phòng.
Có chế tài xử phạt từ 600 đến 800 ngàn đồng nếu chủ không tiêm phòng, rọ mõm cho chó, chính quyền cấp xã phải lập danh sách quản lý chó, mèo và danh sách tiêm phòng bệnh dại... nhưng hầu như không có xã nào thực hiện. Cũng theo ông Nam, những địa bàn như thành phố hoặc các thị trấn... dân trí cao, thì tỉ lệ tiêm vacxin phòng dại cho chó rất cao, còn ở các vùng sâu, vùng xa, hầu như người dân chưa chủ động. Bệnh dại là bệnh lây sang người và điều quan trọng nhất để phòng, chống tình trạng chó tấn công vẫn là ý thức của người dân. Bên cạnh đó, là sự phối kết hợp giữa các ngành với nhau để kiểm tra, kiểm soát. "Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác triển khai kiểm tra tại một số xã để có biện pháp xử lý”, ông Nguyễn Hoài Nam nói thêm.
Cũng theo vị cán bộ này, việc nuôi động vật nhốt như chó, mèo đã có quy định, chế tài xử lý cụ thể. Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó; không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Đối với những hành vi này sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định pháp luật, trường hợp chó nuôi gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì tùy theo mức độ thiệt hại mà chủ nuôi chó sẽ phải chịu phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Tuy nhiên, thực tế sau khi liên tiếp xảy ra những vụ việc nói trên thì ngoài chủ nuôi ra, trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người có thẩm quyền chưa được làm rõ.
“