Theo thống kê từ bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp viêm não Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.
Tại TP.HCM, số lượng bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản cũng tăng đáng kể. Theo thông tin PV cập nhật, tại khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 25 ca dương tính với viêm não Nhật Bản nhập viện vào tuần trước, hiện có 6 bé đang phải thở máy.
Đây đều là những ca rất nặng, trong đó có 2 ca đã kéo dài gần một năm qua. Phần lớn các trẻ đều hôn mê sâu, phải thở máy, tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 10%; số còn lại nhiều khả năng để lại di chứng nặng nề, nhẹ nhất là chậm phát triển trí tuệ đến động kinh, sống thực vật. Rất khó có bệnh nhi nào không để lại di chứng.
Ghi nhận của PV tại bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, có những bệnh nhân phải can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù. Điển hình, bệnh nhi Đào Khánh L. (7 tuổi, Nghệ An), sau 14 ngày điều trị viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm, sức khoẻ của cháu có tiến triển hơn ngày đầu, đã mở được mắt song vẫn phải phụ thuộc vào máy thở.
Mẹ cháu Khánh L. cho biết, sáng ngày 2/6, cháu L. đột ngột sốt cao 39 - 40oC. Sau khi uống hạ sốt, cháu đã đỡ. Tuy nhiên 2 ngày sau, cháu lên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, có biểu hiện sợ ánh sáng. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An kiểm tra, các bác sĩ kết luận cháu mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó, L. được điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển. Hai ngày sau đó, cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, phải đặt nội khí quản và liệt vận động toàn thân.
Đến nay, đã qua 14 ngày điều trị, dù được các bác sĩ tích cực can thiệp bằng thở máy, dùng thuốc chống viêm, chống phù nhưng cháu đã xuất hiện thêm di chứng nặng như liệt hô hấp, liệt tứ chi, phụ thuộc vào thở máy.
Một trường hợp khác là cháu Nguyễn Quốc Đ. (4 tuổi, Bắc Ninh) cũng bị di chứng nặng sau viêm não. Bé Đ. được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Trước khi nhập viện 3 ngày, cháu Đ. sốt cao 40oC, gia đình dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả. Hai ngày sau, cháu trở nên li bì, co giật nhiều.
Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé Đ. mắc viêm não Nhật Bản. Sau 17 ngày được điều trị, cháu Đ. đã tỉnh táo, hết sốt nhưng vẫn còn di chứng vận động.
Trước tình trạng nhiều bé mắc viêm não, nhập viện trong tình trạng nặng, trả lời báo chí, TS. Nguyễn Văn Lâm (Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương) cảnh báo, từ tháng 5 đến tháng 9 là giai đoạn cao điểm mắc viêm não Nhật Bản (hay còn gọi là viêm não B) do thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, gây tỉ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%).
N.Giang