Theo đó, bệnh nhân chết do suy hô hấp cấp và trụy tim vì khi chuyển đến bệnh viện bệnh đã quá nặng. Một trường hợp khác tại bệnh viện này cũng nhiễm cúm A/H1N1 và đang rất nguy kịch. Các bác sĩ tại bệnh viện này cũng khuyến cáo người dân đừng quá lo sợ.
Một người tử vong, một người nguy kịch
Theo thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy, vào ngày 3/6, bệnh nhân Lý Kim Sến (SN 1952, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại bệnh viện, đây là bệnh nhân đầu tiên tử vong tại TP.HCM vì nhiễm cúm A/H1N1. Theo hồ sơ bệnh lý, bệnh nhân Lý Kim Sến, đã bị nhiễm cúm từ trước đó 10 ngày, dẫn đến tình trạng bệnh quá nặng.
Triệu chứng bệnh của bệnh nhân Sến được xác định, 7 ngày trước nhập viện bệnh nhân sốt cao, ho có đờm kèm đau họng. Thấy mình có dấu hiệu bị bệnh, bệnh nhân đã tự mua thuốc ở tiệm thuốc tây về uống. Sau khi uống thuốc tây, bệnh tình có hơi thuyên giảm. Tuy nhiên, trước khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở.
Tình trạng này diễn tiến nhanh buộc bệnh nhân phải nhập viện bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp trong tình trạng nguy kịch. Tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp các bác sĩ làm xét nghiệm, kiểm tra kết quả cho thấy bệnh nhân bị thâm nhiễm hai phổi hai bên, chẩn đoán viêm phổi nặng và tình trạng suy hô hấp cấp. Trước tình trạng trên, bệnh viện đa khoa Đồng Tháp buộc phải chuyển ngay bệnh nhân Sến đến bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi đã điều trị kháng sinh ở bệnh viện tuyến dưới.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Lan Phương đang trình bày về ca tử vong do nhiễm A/H1N1
Bác sĩ Hoàng Lan Phương - phó khoa Bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: "Nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, chúng tôi đã ngay lập tức cho cách ly. Ngay sau đó tiến hành làm những xét nghiệm cơ bản và kèm chẩn đoán cúm ngay bệnh viện Chợ Rẫy. Một mẫu xét nghiệm được lưu lại bệnh viện Chợ Rẫy, mẫu còn lại gửi tới Viện Pasteur (TP.HCM). Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Khoa bệnh nhiệt đới với quy trình cách ly kỹ lưỡng và điều trị đặc biệt".
Cũng theo bác sĩ Phương, ban đầu tình trạng nhập viện của bệnh nhân thì tỉnh táo và tiếp xúc tốt. Tuy nhiên tình trạng khó thở cứ diễn tiến tăng dần và bệnh nhân được can thiệp sớm bằng thở máy hỗ trợ, kèm dùng kháng virut ngay trước khi có kết quả xét nghiệm. Cho đến 16h10 ngày 3/6 gần như tình trạng bệnh nhân chỉ cải thiện một chút. Và virut đã xâm nhập toàn khoang phổi khiến bệnh nhân tử vong vì suy hô hấp và trụy tim mạch. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pastuer cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Theo bác sĩ Phương, đây chính là ca nhiễm virut A/H1N1 đầu tiên từ đầu năm 2013 đến nay bệnh viện này tiếp nhận.
Cách ca nhiễm virut A/H1N1 đầu tiên này chừng hơn 10 tiếng đồng hồ, bệnh viện cũng tiếp nhận một ca rất nguy kịch. Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1989, quê ở Kon Tum, hiện đang là công nhân của một khu công nghiệp tại TP.HCM.
Bác sĩ Phương cho biết: "Bệnh nhân nữ này cũng nhiễm virut A/H1N1 rất nặng và chưa có diễn biến tốt, vì tình trạng bệnh nhân cũng để bệnh nặng rồi mới tới viện. Bệnh nhân nữ này mang thai 34 tuần và đã sanh ở bệnh viện Từ Dũ ngày 1/6, trước khi được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nguyên nhân chuyển dạ sớm là do nhiễm bệnh, thúc đẩy làm bệnh nhân sanh sớm. Hiện tại bệnh nhân cũng đang ở phòng cách li và được điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao".
Buổi họp báo với đông đảo cơ quan truyền thông
Những khuyến cáo về cúm A/H1N1
Theo khảo sát của bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình bệnh nhân Lý Kim Sến có 9 người đều là người lớn. Bệnh nhân Sến không đi đâu xa khỏi địa phương. Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân này có ăn thịt vịt đã được nấu chín, do người cháu làm. Tuy nhiên tất cả những người ăn đều không bị nhiễm. Vì vậy khả năng nhiễm do ăn vịt là không thể xảy ra. Bệnh nhân Sến cũng có tiền căn cao huyết áp. Còn đối với trường hợp nữ công nhân sinh năm 1989, cũng không rõ nguyên nhân dẫn đến bị nhiễm. Tuy nhiên có một điều là cả hai trường hợp này đều được chuyển đến viện điều trị sau khi đã nhiễm bệnh khá lâu. Vì thế mà bệnh tình đã diễn tiến sang một bước nguy kịch, rất khó cứu chữa.
Trước tình hình bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 không khỏi làm nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy thì không cần quá lo lắng. Bác sĩ Phương cho biết: "Triệu chứng bệnh này rất chung của cảm cúm, ho cần quan tâm nhưng không phải hoảng hốt. Vì số lượng nhiễm thì rất đông nhưng trường hợp suy hô hấp như thế thì đây là ca đầu tiên. Đối với những ca cúm này, bệnh viện đã có quy trình điều trị nghiêm ngặt, bệnh nhân được tiếp nhận sớm tích cực cứu chữa sẽ cứu được. Hơn nữa bệnh viện cũng đã trang bị đầy đủ dụng cụ, thuốc men đặc trị các loại bệnh về hô hấp. Những trường hợp khi phát hiện đã quá nặng, sau bảy ngày thì tình trạng phổi đã gần như bị viêm nhiễm hoàn toàn và không thể cứu chữa".
Bác sĩ Phương cho biết: "Trước đó không lâu, bộ Y tế có khuyến cáo đối với tất cả người dân cần có sự chủ động trong công tác phòng chống loại bệnh này bằng cách chú ý đến vệ sinh cá nhân, nơi ở, đồ dùng sinh hoạt sạch sẽ; ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Để tránh gây nhiễm cho người khác, khi người bệnh phát hiện ra mình có các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang. Mặt khác, ở những nơi công cộng người có triệu chứng trên cần giữ vệ sinh, không khạc nhổ bừa bãi, che miệng khi ho. Đồng thời cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh diễn tiến nguy kịch".
Lưu ý đặc biệt Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Lan Phương, phó khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Các trường hợp khi nhiễm cúm A/H1N1 dễ có nguy cơ biến chứng nặng cũng được bộ Y tế khuyến cáo đề phòng. Theo đó những trường hợp như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh tim, béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ dễ có nguy cơ nhiễm bệnh nặng hơn người bình thường. Vì thế đối với những người này cần để ý, theo dõi nếu xảy ra các triệu chứng ho, khó thở... cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời". |
Hoàng Minh