Những tháng cuối năm, gia tăng số người không đủ khả năng chi trả các khoản vay online, vay app. Điều này được thể hiện rõ qua việc nở rộ các hội nhóm dạy nhau cách "bùng nợ" trên mạng xã hội. Nhiều hội nhóm quy tụ hơn hàng trăm nghìn người tham gia với các mục đích khác nhau liên quan đến vấn đề chi trả nợ nần.
Nhan nhản hội nhóm dạy cách "bùng nợ" và những ẩn họa
Thực tế, thời gian gần đây nhiều người đã vay qua các công ty cho vay tài chính, các app.
Để hoàn tất thủ tục vay, người vay cần phải để lại thông tin cá nhân, số điện thoại và tài khoản mạng xã hội đang dùng như Zalo, Facebook,...
Nếu đến thời hạn trả tiền nhưng chậm trễ, nhóm đòi nợ sẽ thông qua các thông tin được cung cấp để nhắn tin, gọi điện "khủng bố" người thân, gia đình của người vay nhằm đạt được mục đích đòi nợ. Từ đó, nhan nhản các hội nhóm dạy cách "bùng nợ" xuất hiện trên mạng xã hội.
Trên nền tảng Facebook, chỉ cần tìm kiếm từ khoá "bùng nợ", ngay lập tức hàng loạt hội nhóm có cùng chủ đề xuất hiện. Nhiều hội nhóm hoạt động dưới hình thức nhóm kín hoặc công khai, người dùng muốn truy cập phải trả lời một số câu hỏi nhất định để được xét duyệt vào nhóm.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, truy cập vào hội nhóm có tên "Hội bùng app vay tiền và cách đối phó" với 112,1 nghìn thành viên, người dùng sẽ bắt gặp nhiều tài khoản Facebook chia sẻ câu chuyện cá nhân liên quan đến việc bùng nợ các khoản vay online.
Nhiều bài đăng với nội dung tham khảo ý kiến về việc từng vay tiền qua các ứng dụng online, hiện không đủ khả năng chi trả phải làm thế nào để "bùng nợ".
Cụ thể, một tài khoản có tên Trần Bích N. đăng tải: "Tôi vay khoản tiền lớn từ các ứng dụng cho vay online, nhận được thông báo quá hạn trả lãi và gốc nhiều tháng nay. Gần đây thì có nhiều tin nhắn được gửi đến với nội dung sẽ gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh bạ cũng như làm hình ảnh xấu để đăng tải trên mạng xã hội. Cho tôi hỏi nếu bùng nợ luôn thì tôi có bị làm sao không và có cách nào chặn được việc ứng dụng cho vay liên hệ với gia đình không?".
PV vào một hội nhóm khác có tên "Hội bùng app, tín dụng đen và chia sẻ cách đối phó" với hơn 33 nghìn thành viên, cũng ghi nhận nhiều tài khoản đăng tải các bài viết xin "tư vấn, lời khuyên" về việc đối phó với các ứng dụng cho vay tiền online.
Theo đó, trường hợp được ghi nhận nhiều nhất là người vay tìm cách bùng nợ làm sao để không bị bôi xấu hình ảnh. Trong đó có những đối tượng xem việc "bùng nợ" các khoản vay tín dụng đen là chuyện bình thường, khoe ra như một chiếc tích. Song, cũng có người vì mất khả năng chi trả vì lãi suất quá cao nên đi đến quyết định này.
Dịch vụ chỉ cách "bùng nợ"
Dưới các bài đăng có nội dung kể trên, nhiều người vào chia sẻ cách "bùng nợ" cùng hàng loạt chiêu thức khác nhau, thậm chí có cả rao bán dịch vụ chỉ cách bùng nợ.
Không những thế, nhiều người hỏi về cách bùng các khoản vay có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thì nhận được lời khuyên không nên bùng nợ số tiền thấp vì vướng nợ xấu. Thay vào đó, được tư vấn nên tìm cách vay nhiều ứng dụng khác nhau, hoặc vay khoản tiền lớn rồi hẵng tính đến chuyện bùng nợ.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, anh Cao Xuân T., ngụ tại quận Tân Bình, Tp.HCM cho biết: "Kinh tế năm nay khó khăn, tôi bị ảnh hưởng vì thất nghiệp, trong lúc túng quẫn không biết mượn ai vì thiếu tiền trả tiền trọ nên đã làm theo chỉ dẫn vay tiền trên ứng dụng online. Tôi thấy các thủ tục cũng không mấy rườm rà, tiền lại được duyệt rất nhanh nên mừng.
Tuy nhiên, sau đó lãi suất quá cao, vượt ngưỡng có thể chi trả nên tôi tìm kiếm vào các hội nhóm chỉ cách "bùng nợ". Tôi còn nhận được nhiều đề xuất về việc tham gia các dịch vụ giúp bùng nợ mà không bị làm phiền người thân hay bạn bè nhưng tôi không tin tưởng".
Đằng sau hành vi này là những mối họa và ràng buộc về trách nhiệm, góc nhìn pháp lý liên quan... Người Đưa Tin sẽ tiếp tục phản ánh, phân tích về vấn đề này.
(Còn nữa)