Nhiều người đã phải bỏ mạng hoặc bị bỏng nặng chỉ vì một phút sơ suất, bất cẩn đứng gần dòng điện cao thế.
Tử thần ở trên đầu
Theo thông tin ban đầu, khoảng 14h20’ ngày 15/6, công nhân Dương Minh Tr. (SN 1974, ngụ tỉnh Kiên Giang) cùng ba công nhân khác của công ty Quang Minh (có trụ sở tại số 166, đại lộ Bình Dương, P. Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một), trèo lên mái nhà công ty để chuẩn bị treo biển hiệu mới. Bất ngờ, anh Tr. bị lưới điện cao thế phóng, khiến anh ngã xuống bất tỉnh.
Anh Dương Minh Tr. tại bệnh viện
Theo các nhân chứng kể lại, cú phóng điện đã tạo ra tiếng nổ khá lớn, khói lửa bốc lên và gây cúp điện ngay sau đó. Ngay lập tức, anh Tr. được nhóm công nhân dùng võng đưa xuống đất và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, trong tình trạng bị bỏng nặng toàn thân. Theo các bác sĩ nhiều khả năng anh Tr. phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Chi nhánh điện Thủ Dầu Một đã có mặt để xử lý vụ việc, khắc phục sự cố mất điện sau đó.
Ông Đ.V.H (52 tuổi), một người dân sống gần hiện trường cho biết: Trong khi cố rút thanh sắt cũ, trước đây dùng gắn ăng ten truyền hình bỏ xuống, thì anh Tr. vô tình để chạm vào đường dây điện cao thế phía trên, nên gây phóng điện. Do lúc đó trời lại đang có mưa nên điện nhiễm mạnh hơn, dễ dàng tiếp điện với những thứ bằng sắt, hoặc ăng ten mà anh Tr. bất cẩn không để ý. Được biết, anh Tr. là thợ hàn sắt có kinh nghiệm hai năm, từng thực hiện rất nhiều công trình.
Trước đó, đã xảy ra khá nhiều vụ bị phóng điện gây thương vong lớn. 13h30 phút ngày 23/3/2013, anh Nguyễn Thanh Nh. (SN 1971, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) điều khiển xe tải chở 33,7 tấn hạt điều khô vào xưởng điều S.B. Anh vô tình đỗ xe dưới đường điện cao thế, nên khi anh Huỳnh Minh T. (SN 1995, ngụ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trèo lên thùng xe lấy mẫu hạt điều, bất ngờ bị dòng điện phóng thẳng xuống đầu. Vụ tai nạn khiến anh T. bị cháy nửa người và tử vong ngay sau đó.
Ngày 25/3/2012, vào khoảng 17h, 5 công nhân thuộc Trung tâm viễn thông huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đang làm việc giữa trời thuộc địa bàn khối 5, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) thì bị điện giật. Hậu quả làm anh Hà Văn H. (quê TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) chết tại chỗ, 4 công nhân khác bị thương. Nguyên nhân là do các công nhân này đang làm việc dưới đường điện cao thế nên bị hút vào.
Tháng 3/2011, một vụ tai nạn thương tâm do điện phóng xảy ra tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) khiến 6 người chết, 2 người khác bị thương. Theo đó, trong khi đang dựng cột, thi công đường điện hạ thế trên địa bàn xã Thăng Long, 6 công nhân của công ty Xây lắp điện và xây dựng Phương Anh đã kéo chiếc tời (một dụng cụ xây dựng dùng để kéo vật nặng) gần đường điện cao áp, gây phóng điện chết người.
Đường điện cao thế tiềm ẩn mối nguy hiểm chết người
Nhiều người chủ quan với mạng sống của mình
Trao đổi với PV, kỹ sư điện Trần Việt Tuấn, công tác tại công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành (TP.HCM) cho biết: "Hoạt động dưới đường dây điện cao áp rất nguy hiểm, vì nó dễ dàng phóng điện tới bất kể loại dụng cụ nào có khả năng tiếp điện. Một đường dây thông tin, hoặc một cây sào bằng kim loại, nếu vô tình vi phạm khoảng cách an toàn với lưới điện cao thế cũng sẽ gây nguy hiểm cho chúng ta".
"Để tránh tai nạn do phóng điện, chúng ta không được vi phạm khoảng cách an toàn đối với các thiết bị mang điện. Cụ thể, điện áp 500KV khoảng cách an toàn phải từ 5m trở lên. Điện áp 220KV khoảng cách là 2,5m, và điện áp 110KV khoảng cách an toàn là 1,5m. Nếu vi phạm khoảng cách an toàn này, rất dễ xảy ra hiện tượng phóng điện từ nguồn điện sang cơ thể con người. Nếu điều kiện bắt buộc thi công thì phải có các thiết bị bảo hộ, thực hiện theo đúng quy trình" - kỹ sư Tuấn cho biết thêm.
Kỹ sư Trần Việt Tuấn nhận định, vẫn còn rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do bị điện cao thế phóng phải. Nguyên nhân chủ yếu là do mọi người đã vi phạm về xâm hại hành lang an toàn lưới điện cao áp. Nhiều người vẫn còn bất cẩn, chủ quan trước mối nguy hiểm từ điện cao thế đến tính mạng mình, nên không tìm hiểu kỹ những kiến thức về an toàn lưới điện để tự bảo vệ mình. Trong khi chúng ta đang phải sống chung với hàng chục ngàn km đường điện cao thế trên khắp cả nước.
Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, giám đốc Trung tâm tư vấn Luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam: "Nhiều khả năng công ty này đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện khi treo biển hiệu quá gần đường dây điện cao thế. Hiện nay, quy định về hành lang an toàn lưới điện của chúng ta còn thiếu chặt chẽ. Nhiều người không tuân thủ những quy định này, hoạt động dưới đường điện sai quy cách, dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng mình và người khác, gây mất an toàn hệ thống điện. Trong khi đó, những quy định về chế tài xử phạt còn bất cập, chồng chéo nên chưa thể xử lý nghiêm những hành vi xâm hại hành lang an toàn điện vẫn ngày ngày đang diễn ra".
Ông Phạm Văn Hưng (48 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: "Theo tôi, đúng là do người dân thiếu hiểu biết nên dù biết điện rất nguy hiểm, bị điện giật sẽ mất mạng như chơi, nhiều người vẫn chẳng để ý gì khi hoạt động gần đường điện. Nhưng sự thiếu hiểu biết này của người dân, một phần do công tác tuyên truyền về hành lang an toàn đường điện của chúng ta còn quá mỏng và chưa hiệu quả. Lâu lâu trên ti vi tôi mới bắt gặp một vài đoạn hình ảnh khoảng vài ba phút tuyên truyền về an toàn điện. Thiết nghĩ, chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền này, vì những đường dây điện cao thế vẫn ở đâu đó trong các khu dân cư, tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường".
Bỏng điện là nguy hiểm nhất Một bác sĩ (giấu tên) bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết: So với các loại bỏng khác như bỏng điện, bỏng nước sôi, thì bỏng điện là loại bỏng nguy hiểm nhất. Các loại bỏng khác chỉ gây bỏng từ ngoài vào trong, bỏng điện lại gây bỏng từ trong ra ngoài. Biểu hiện bên ngoài của bỏng điện là những đốm da cháy đen tại vùng có dòng điện đi qua. Điều này khiến các đoạn cơ thể cứ lần lượt bị hoại tử và chết, đến đoạn nào dòng điện không còn tác dụng nữa thì thôi. Bỏng điện ảnh hưởng đến các khớp xương thì nguy cơ phải tháo khớp chân, tay sẽ rất cao. Vì nếu không sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, đe dọa đến tính mạng. Trường hợp bỏng điện nguy hiểm nhất là dòng điện đi gần não bộ và tim như đầu, ngực, tay trái. |
Lam Giang