Kinh hoàng “hội chứng Lê Văn Luyện”
Sáng ngày 13/8 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Lê Tuấn Anh (chưa đầy 17 tuổi, ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) - kẻ sát hại nữ sinh Nguyễn Thị Bích N. xảy ra vào hôm 11/8. Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng lõa thể và trôi nổi trên sông. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân đã bị hung thủ giết, hiếp dã man rồi dìm xác xuống sông.
Hung thủ Lê Anh Tuấn
Vụ án mạng xảy ra đã gây tâm lý hoang mang, căm phẫn đối với kẻ gây án trong dư luận địa phương và nhân dân cả nước. Đặc biệt, điều đáng nói là sau khi bị bắt về cơ quan cảnh sát điều tra, sát thủ tuổi teen Lê Tuấn Anh vẫn không hề tỏ ra sợ hãi hay ân hận, mà hắn đã thản nhiên khai nhận toàn bộ hành vi máu lạnh của mình, cũng như tỉnh bơ lý luận rằng: “Cháu có họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đó giống anh ấy”(?!).
Chỉ trước đó ít ngày, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đã bắt được đối tượng Phan Văn Quang (SN 1996, trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), kẻ dùng liềm cắt cổ tài xế taxi gây chấn động dư luận miền Trung suốt chục ngày qua. Theo đó, vào khoảng 19h30 ngày 6/8, anh Nguyễn Văn L. (SN1973, trú tại xã Quỳnh Châu) nhận chở thuê cho Quang bằng xe ô tô riêng của mình. Sau khi đi được 50km, Quang đã buộc tài xế L. đi lòng vòng qua nhiều cung đường khác nhau, khi đến khu vực đường đồi núi thuộc xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, hắn đã dùng liềm cắt cỏ cứa cổ nạn nhân khiến anh L. tử vong tại chỗ.
Tuy nhiên, theo các điều tra viên thì mặc dù còn rất ít tuổi lại gây ra tội ác tày trời, song lúc bị bắt, tên sát thủ vẫn giữ vẻ mặt lầm lì và khai rất nhỏ giọt. Khi được hỏi về nguyên nhân gây ra tội ác của mình, Quang nói một cách thản nhiên rằng: “Cháu không lấy tiền, cũng chẳng lấy gì cả. Ai bảo ông ta làm nhục cháu. Cháu tức thì cháu giết”.
Lý giải về điều đó, Quang khai, vì biết anh L. mới mua xe ô tô 4 chỗ, có ai thuê thì chở khách, ngoài ra, anh L. cũng làm thêm cả công việc sửa chữa điện thoại tại nhà, nên khoảng đầu tháng 8/2012, do cần tiền Quang đã mang chiếc điện thoại di động của mình đến bán cho anh L. Theo Quang nghĩ, chiếc điện thoại đó chắc cũng phải bán được khoảng vài trăm nghìn đồng, thế nhưng khi vừa nhìn thấy, anh L. đã liền bảo: “Chiếc điện thoại rách này thì ai mua!”. Cho rằng mình bị coi thường, bị sỉ nhục nên hắn đã vạch kế hoạch sát hại anh L.
Cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vào hồi 16h ngày 12/8/2012, tại nhà chị Nguyễn Thị T. (SN 1991, ở thị trấn Tân Kỳ) đã xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản. Đối tượng là Nguyễn Trọng Thịnh (13 tuổi), lợi dụng sơ hở của gia đình đã lẻn vào nhà để trộm tài sản, khi bị phát hiện, hắn đã dùng dao chém nhiều nhát vào đầu, tay làm chị T. bị thương nặng, rồi cướp điện thoại di động. Ngay sau khi nhận được tin báo, công an huyện Tân Kỳ nhanh chóng vào cuộc điều tra, đến 23h cùng ngày đã bắt được đối tượng, thu 1 điện thoại di động và 1 con dao là tang vật vụ án.
Có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội?
Tất cả những vụ án kinh hoàng trên đã dóng lên hồi chuông nhắc nhở, cảnh báo về trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình đối với việc chăm sóc, bảo vệ và phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có gần 13.600 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, tăng nhiều lần so với những năm trước cả về số lượng phạm tội lẫn các vụ trọng án. Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Tuy nhiên, khi xét xử một số vụ án do người chưa thành niên gây ra, đặc biệt là một số vụ trọng án trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo là trẻ vị thành niên chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội khiến tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng gia tăng. Hầu hết các vụ học sinh đánh nhau, thuê giang hồ nhí trả nợ tình trong học đường, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và môi trường giáo dục thì chủ yếu việc xử lý vẫn còn nương tay, vụ nào nặng mới bị đuổi học, còn lại chỉ xử lý hành chính rồi giáo dục tại gia đình và nhà trường.
Trao đổi với PV Người đưa tin, đại tá Hồ Sĩ Tiến, cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, việc trẻ hóa tội phạm trong thời gian gần đây, phần lớn là do cách giáo dục chưa đến nơi đến chốn. Các gia đình, đoàn thể, cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, pháp luật cho trẻ em. Trong đó, nhiều trẻ vị thành niên phạm trọng tội cũng là bắt nguồn từ việc ảnh hưởng xấu của phim ảnh, trò chơi bạo lực.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, nhiều người đặt câu hỏi, có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội hay không? Trả lời PV Người đưa tin về vấn đề này, một tiến sĩ luật cho rằng, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, bên cạnh mục đích trừng trị còn nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, điều đó thể hiện tính nhân văn của các đạo luật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản rất nghiêm trọng, diễn biến hành vi phạm tội rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, theo vị tiến sĩ này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự trong thời gian tới cũng nên cân nhắc, xem xét tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam để có hướng phù hợp, có thể giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội hoặc xử lý nghiêm những trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để có tính răn đe.
Cần tăng cường phổ biến pháp luật và xử lý nghiêm hiện tượng dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội Đại tá Hồ Sĩ Tiến, cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay các trường học mới chỉ chú trọng việc giáo dục đạo đức, còn vấn đề giáo dục pháp luật thì chưa có nhà trường nào quan tâm thực sự. Nếu luật còn chưa biết thì làm sao nói các em thực hiện đúng pháp luật được? Chính vì vậy, nhà trường, gia đình và xã hội phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân nói chung và trẻ em nói riêng. “Và đối với những trường hợp lôi kéo, dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội cần phải xử lý thật nghiêm, đó là tình tiết tăng nặng khi xét xử “, người đứng đầu Cục Cảnh sát Hình sự nhấn mạnh. |
Chí Công