Hội nghị do ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì. Đồng tham dự, có các cán bộ, công viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, Phòng Văn hoá, thông tin, các phóng viên, biên tập viên báo, đài tại Tp.HCM.
Chia sẻ tại hội nghị tập huấn, Ths. Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã cảnh báo xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Việt Nam và đưa ra những đề xuất thiết thực.
Bà Nguyên cho biết tại hội thảo, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường, mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép những sản phẩm thuốc lá mới, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai.
Những năm gần đây, người trưởng thành hút thuốc lá tăng nhanh. Cụ thể, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trường thành tại 34 tỉnh thành trong cả nước (thời điểm điều tra năm 2020) như sau: năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành ở Việt Nam là 0,2%. Năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-17 tuổi là 2,6% (nam là 3,6%, nữ là 1,5%).
Năm 2021-2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13-15 tuổi là 3.5% (nam 4.3%, nữ 2.8%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đặc biệt cao ở các thành phố lớn: 8,35% học sinh lớp 8-12. Chỉ sau 3 năm, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng một cách đáng kể.
Ths.Nguyễn Hạnh Nguyên cho biết thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường… Sản phẩm được thiết kế kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt theo thị hiếu giới trẻ nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Cũng theo thạc sỹ Nguyên, việc cho phép thuốc lá mới là đi ngược lại nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống thuốc lá.
Việc cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử, nung nóng có thể tạo kẽ hở trong quản lý do việc phối trộn các chất gây nghiện khác vào trong sản phẩm thuốc lá rất khó kiểm soát.
“Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng và các thuốc lá mới khác tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bà Nguyên đề xuất thêm.
Ths.Đào Thế Sơn, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies), chuyên gia của Quỹ phòng, chống tác tại của thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng, trên thị trường xuất hiện các nhóm sản phẩm thuốc lá mới.
Trong đó thuốc lá điện tử có nicotine nung nóng một loại dịch chứa nicotine tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất propylene glycol hoặc glycerin.
Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử, shisha điện tử và thuốc lá điện tử không chứa nicotine. Thuốc lá nung nóng, nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin.
Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ gây ung thư.
Ths.Đào Thế Sơn cho rằng, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sẽ luôn nhắm vào thế hệ trẻ để thu hút người dùng mới. Những nước đang phát triển như Việt Nam vốn có tỷ lệ thuốc lá truyền thống vẫn cao và vẫn tiếp tục bị nhắm vào giới trẻ.
Các sản phẩm được coi là sản phẩm mới thực chất vẫn chỉ là những sản phẩm độc hại mới, nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ tạo ra một đại dịch mới đối với thế hệ thanh niên mới.
“Các sản phẩm thuốc lá mới sẽ tạo ra một đại dịch kép, tạo ra gánh nặng rất lớn cho Việt Nam. Thế hệ trẻ cần được tiếp tục bảo vệ bởi các chiêu thức của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia”, ông Sơn chia sẻ.
Tại buổi tập huấn, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, buổi tập huấn đã cung cấp cho phóng viên, biên tập viên các thông tin cụ thể về tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam; Những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu; Tổng quan về quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, các hình thức tiếp cận về thuốc lá...
“Với những thông tin của báo cáo viên, ban tổ chức hy vọng cung cấp nhiều thông tin mới cho các phóng viên, biên tập viên về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí. Từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá”, ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.
Nguyễn Lành