Phụ huynh cần biết con mình đang ở đâu
Thời điểm này, học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.Hà Nội đã hoàn tất việc nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào các trường THPT. Giáo viên, Hiệu trưởng của các trường THCS cho biết, có một thực tế là nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng vào con quá lớn khiến học sinh bị áp lực. Khả năng của học sinh chỉ có thể thi ở trường “top giữa” thì phụ huynh luôn muốn con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường “top đầu”; hoặc mong con phải thi được vào trường THPT công lập mặc dù năng lực của con chưa đủ đáp ứng…
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay, trường tôi có khoảng 20% học sinh đăng ký học nghề, thay vì thi tuyển vào lớp 10 kỳ thi chung của sở GD&ĐT. Trong đó, những em năng lực trung bình đã tự nguyện đăng ký vào các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dân lập. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, học sinh có năng lực trung bình, chấp chới giữa đỗ và trượt tốt nghiệp”.
“Về cơ bản, phụ huynh đều biết năng lực của con mình ở đâu, trừ một số trường hợp, phải nói rằng quá “bảo thủ”, thậm chí “hoang tưởng” về khả năng của con, thì mới không nhận ra. Thực ra, nếu phụ huynh thực sự quan tâm con, thì có thể nắm được khả năng của con, có những gia đình, thường ngày chẳng quan tâm con học thế nào, nhưng đến trước kỳ thi, lại tỏ ra quan tâm đến con, đổ lỗi cho nhà trường, những trường hợp đó, tôi hoàn toàn chia sẻ.
Trước mỗi kỳ thi, giáo viên thường phân tích và tư vấn cho học sinh, phụ huynh khả năng của con như thế nào, nên chọn nguyện vọng ra sao cho phù hợp. Riêng học sinh có năng lực trung bình, giáo viên đã khuyên các em nên chọn trường dân lập, học nghề và các nguyện vọng khác thay vì thi để giảm áp lực ôn tập căng thẳng. Với trường hợp như vậy, phụ huynh thường cho rằng, nhà trường “ép” học sinh, không cho thi như các bạn, nên ban giám hiệu phải giải thích rằng, nhà trường chỉ tư vấn, còn lựa chọn như thế nào là quyền của phụ huynh.
Từ các năm trước, cũng có một số trường hợp, mặc dù nhà trường đã cung cấp số liệu, chỉ ra khả năng đỗ của các con nhưng phụ huynh rất cố chấp, vẫn nằng nặc đòi cho con đi thi. Sau đó, kết quả khi con đi thi đã không đủ điểm thật. Lúc ấy, họ mới tin. Giáo viên cũng muốn tốt cho học sinh, tư vấn môi trường phù hợp với năng lực để học sinh và phụ huynh đỡ vất vả, áp lực. Mỗi năm, có đến hơn 20.000 thí sinh bị loại khỏi “cuộc đua”, trừ khi học sinh nội thành đăng ký thi ở ngoại thành thì cơ hội sẽ cao hơn. Bản thân phụ huynh cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, nếu quá cố chấp thì rất khó” - vị Hiệu trưởng cho biết thêm.
Mô hình 9+ là sự lựa chọn thiết thực
Trước mỗi kỳ thi, rất nhiều phụ huynh lại tìm đến nhà văn Bùi Ngọc Phúc với vai trò là một chuyên gia tư vấn về các kỳ thi chuyển cấp cho học sinh tại Hà Nội. Anh cho biết: Vừa qua, phụ huynh có con sinh năm 2006 nhắn tin cho tôi, với nội dung như sau: Con em học quá kém, mặc dù gia đình cho con đi học thêm nhiều nơi, học trực tiếp tại nhà thầy cô, học trực tuyến qua Zoom, học trên kênh Youtube..., tuy nhiên kết quả điểm thi học kỳ I đối với 3 môn điều kiện của con vẫn ở mức dưới trung bình. Sau đó, nhờ tôi giới thiệu giúp vài trường dân lập không phải thi chỉ xét tuyển ở mức vừa phải.
Xin thưa, nếu con chỉ đạt 11 điểm cho 3 môn, đây là kết quả đáng báo động. Hầu hết phụ huynh thấy con sức học kém, việc đầu tiên nghĩ đến là sẽ nộp hồ sơ cho con mình vào các trường THPT dân lập không tổ chức thi tuyển, phương án học nghề ít được mọi người tính đến.
Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ khác, nếu con bạn học kém và chán học, việc chọn mô hình học nghề kèm học văn hoá theo mô hình 9+ sẽ là sự lựa chọn thiết thực”.
“Hiện nay có nhiều trường dạy nghề đã bắt kịp xu thế, họ dạy nghề xã hội cần chứ không dạy nghề họ đang có. Trường nghề từ trước ít được coi trọng bởi nhiều nguyên nhân: Học xong không xin được việc, học nghề sau này suốt đời làm thợ... Nhưng nếu phụ huynh nào theo dõi sẽ thấy, xu thế hội nhập và nắm bắt cơ hội đến từ những quyết định dũng cảm. Sau này, khi học xong mô hình 9+, con vẫn có cơ hội đi du học nghề để hoàn thiện kỹ năng và có thu nhập khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài…” nhà văn Bùi Ngọc Phúc phân tích thêm.
Nhiều học sinh coi nghề là “sự lựa chọn cuối cùng”
Trước đó, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Số lượng học sinh học văn hóa tại trung tâm qua các năm không nhiều, đây là thực trạng chung tại hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên. Mặc dù, hằng năm, trung tâm cũng phối hợp với các nhà trường, tổ chức các buổi chia sẻ, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhưng tâm lý học sinh và nhiều phụ huynh thường vẫn muốn thử sức, tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trước, sau đó mới tính đến các trường dân lập và sau cùng mới nghĩ đến các trung tâm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều năm nay trong mắt học sinh vẫn thuộc diện “sự lựa chọn cuối cùng”. Điều này thực sự rất khó khăn!”.
Cẩm Mịch