Cành mận được bán rầm rộ, giá đắt hơn mọi năm
Thời gian gần đây, trên một số tuyến phố và các chợ online, hoa mận rừng được bày bán khá nhiều và được mọi người quan tâm đặt mua với giá từ 80-150 nghìn đồng/bó cành răm nhỏ, từ 200-500 nghìn đồng/cành nhỡ và từ 1-4 triệu đồng/cành to.
Cành mận được bày bán tại chợ hoa Quảng Bá.
Bán cành mận được khoảng hơn một tháng trở lại đây, chị Lưu Thị Hậu, tiểu thương tại chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm nay hoa mận có sớm, trước cả hoa đào nên từ cuối tháng 10 dương lịch, chị đã có hoa mận để bán.
Theo chị Hậu, cành mận năm nay đắt hơn mọi năm do ảnh hưởng của cơn bão số 3, làm một phần cây bị gãy, đổ nên không có nhiều. Hơn nữa, thời tiết nóng ấm nên cây có nụ và hoa sớm hơn mọi năm.
Nhìn như cành củi khô nhưng cành mận lại có giá đắt đỏ.
“Mỗi bó cành mận răm nhỏ, tôi bán với giá 60-120 nghìn đồng. Mận cành thì 200-500 nghìn đồng/cành, loại to nhất thì vài triệu đồng. Đắt hơn đào nhưng nhiều người thích nên bán cũng được”, chị Hậu nói.
Trên các chợ online, cành mận lớn nhỏ được rao bán khá rầm rộ với giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng, tuỳ loại. Tuy nhiên, qua quan sát, giá cành mận năm nay cao hơn mọi năm.
Cành mận nở trắng xoá như mang cả Tây Bắc về Hà Nội.
Chị Thanh Trúc, người bán cành mận rừng Tây Bắc cho biết, với mỗi bó mận răm, đợt đầu năm chỉ có giá từ 39-45 nghìn đồng thì nay phải 80-90 nghìn đồng, tăng gấp đôi. Những cành mận dáng huyền, to hơn, giá cũng tăng lên khoảng 500-600 nghìn đồng/cành.
Cách làm cho cành mận nở sai hoa
Bắt đầu chơi hoa mận 2 năm trở lại đây, chị Thuỳ Vân (Hà Nội) cho biết, năm nay, chị mua 2 lần, một lần cành nhỏ có giá 250 nghìn đồng và một lần chị mua cành to hơn với giá 500 nghìn đồng.
Cành mận được chị Vân mua về cắm với giá 250 nghìn đồng.
“Hai năm gần đây tôi mới mua vì thấy bán online nhiều, tỷ lệ hoa nở cũng cao hơn. Trước đây thì khó mua hơn. Mới mua về mình cũng băn khoăn lắm, không biết có được ngắm hoa nở trắng cành hay không vì nhìn chúng như những cành củi khô. May quá, mua về mình chẻ gốc cho cây dễ hút nước. Sau đó, mỗi ngày phun sương 2-3 lần để cấp ẩm cho cành. Sau 2 tuần thì hoa nở trắng như hoa cà phê, đẹp lắm”, chị Vân nói.
Theo chị Vân, sau khi hoa nở, cành mận có thể chơi tiếp 1 tuần. Để chơi được lâu, khi phun sương phải tránh phun vào hoa. Nếu mua được cành mận già, khoẻ thì tỷ lệ nở rất cao.
Cành mận tạo không gian tươi mới cho căn nhà, được nhiều người yêu thích.
Cũng chia sẻ những hình ảnh về cành mận rừng mà mình từng chơi, chị Nguyễn Nga Julie (Hà Nội) cho biết, cắm những loại hoa như cành củi này, đòi hỏi người chơi phải có lòng kiên nhẫn để chờ đợi và nỗ lực bền bỉ trong việc chăm sóc hàng ngày để đến ngày hoa bung nở.
Theo chị Nga, đầu tiên, ngay khi nhận cành về, việc đầu tiên là cắm vào chuông, tỉa bớt những cành gãy, chỉnh dáng sao cho vừa mắt.
“Nước cắm nên hoà chục viên B1 hoặc dùng nước dưỡng hoa bán trên thị trường hoà cùng nước, đổ vào chuông, ngập phần gốc hút nước. Sau đó, mỗi ngày sẽ thêm vài ca nước mới. Nếu trời lạnh, cần thêm nước nóng già tay. Nếu trời nóng, cần thường xuyên phun sương tưới đẫm cành lá. Lâu lâu lại lấy gậy gỗ, khoắng nước trong bình cắm để nước ngậm thêm nhiều dưỡng khí, tốt cho cây”, chị Nga phân tích.
Cứ như vậy tầm 7-10 ngày thì hoa sẽ bung nở. Đầu tiên, toàn cành sẽ bật nụ mầm xanh biếc, tròn xinh bé tí xíu rồi cánh hoa hé ra trắng dần nụ xanh. Cuối cùng, toàn cành sẽ bao phủ màu trắng tinh khôi.
Hoa mận nở, nếu được chăm sóc tốt sẽ tươi đến 7-8 ngày. Vì lượng hoa trên cành rất nhiều nên một cành mận có thể lưu giữ được vẻ đẹp từ 2-3 tuần, sau đó sẽ là lá xanh thay cho hoa, thậm chí đậu được quả mận.
“Cái cảm giác mong ngóng, trông chờ rồi hàng ngày nhìn thấy sự thay da đổi thịt của cành củi là một niềm vui thích với mình. Những ngày đầu, khi bói mãi mới được vài cái nụ xanh vừa nứt ra, thấy vui như người nông dân được mùa thu hoạch. Rồi đến khi hoa bung nở trắng cành thì ngày nào cũng ngắm vài lượt mà vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cái sự xinh đẹp, tinh khôi đang hiển hiện trước mắt này”, chị Nga bộc bạch.
Về những ý kiến trái chiều, cho rằng cắm cành mận là phá hoại thiên nhiên, chị Nga cho rằng, đây là mận do người dân trồng để làm kinh tế, không phải mận mọc tự nhiên trên rừng.
“Mỗi một vụ, nhà nào cũng vài chục tấn mận, giá chỉ vài nghìn đồng/kg mà chăm sóc vô cùng vất vả, đến lúc thu hoạch, tiền công hái còn cao hơn tiền bán mận. Vì vậy, nếu bán cành chơi hoa có lợi hơn về kinh tế, ít chi phí chăm sóc hơn thì việc chuyển hướng tạo nguồn thu mới cũng là lựa chọn tốt hơn cho nhà vườn”, chị Nga phân tích.
Hồng Cảnh