Cành đào muộn và những mảnh đời lặng lẽ nơi xóm chạy thận ngày cận Tết

Cành đào muộn và những mảnh đời lặng lẽ nơi xóm chạy thận ngày cận Tết

Trịnh Thị Phương Ly

Trịnh Thị Phương Ly

Thứ 3, 09/02/2021 14:00

Những ngày cận Tết Nguyên đán, khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón tết thì người dân ở xóm chạy thận vẫn loay hoay với lịch chạy thận để kéo dài sự sống.

Khát khao Tết đoàn viên

PV Người đưa tin Pháp luật đến xóm chạy thận vào một buổi chiều thời tiết lạnh giá những ngày cận tết. Trái ngược phố thị phồn hoa và nhộn nhịp, con ngõ 121 Lê Thanh Nghị tĩnh lặng đến mức chúng tôi nghe được cả bước chân của mình. Ở con ngõ tối và hẹp này là những con người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với nỗi đau bệnh tật. Đứng giữa lằn ranh sống chết, họ chẳng có thời gian và tiền bạc để trở về sum vầy đón tết bên gia đình. Căn bệnh suy thận mãn tính khiến họ phải lọc máu liên tục để duy trì sự sống. Mỗi người một quê, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở nghèo khó và bệnh tật.

Gia đình - Cành đào muộn và những mảnh đời lặng lẽ nơi xóm chạy thận ngày cận Tết

Do lịch chạy thận dày đặc, em Thu luôn mơ về một cái Tết sum họp cùng gia đình, người thân.

Hầu hết người bệnh ở xóm chạy thận đều thuộc diện được bảo hiểm hộ nghèo chi trả chi phí điều trị, hưng họ phải lo tiền ăn, tiền ở, tiền thuốc ngoài khung chi trả. Vì vậy, những người bệnh ở đây được chia làm 2. Người còn khỏe sẽ đi làm để tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, công việc thường làư bán nước, nhặt ve chai, chạy xe ôm, rửa bát thuê. Những người chạy thận lâu năm sẽ yếu hơn. Họ không thể làm được gì ngoài việc loanh quanh trong xóm trọ, trong những căn phòng xập xệ nhỏ hẹp.

Em Tô Thị Thu năm nay mới 17 tuổi nhưng đã có thâm niên chạy thận 6 năm. Vì bị dị tật bẩm sinh, thể trạng yếu không thể tự sinh hoạt nên mẹ em cũng phải tha hương lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Hai mẹ con ở trong căn phòng trọ cũ kĩ chưa đến 10 mét vuông. Trong nhà, những mảng tường bong tróc, mái nhựa ọp ẹp không thể ngăn nổi những giọt mưa nặng hạt.

Gia đình - Cành đào muộn và những mảnh đời lặng lẽ nơi xóm chạy thận ngày cận Tết (Hình 2).

Vì chăm con bệnh, cô Út luôn đau đáu nỗi nhớ nhà mỗi dịp Tết đến xuân về.

Sống xa nhà hơn 5 năm nay, Thu luôn đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Đã từ lâu rồi, em Thu chưa về thăm quê. Phần vì lý do nhà xa, phần vì lịch chạy thận 3 lần/tuần khiến em cũng khó có thể thu xếp. Em Thu tâm sự: “Những ngày Tết không được về quê với gia đình buồn, tủi lắm nhưng rồi cũng thành quen”.

Trầm ngâm một lúc, cô Út (mẹ em Thu) thở dài: “Thực ra, tôi cùng con rất muốn về quê hương bản quán đón năm mới với gia đình, họ hàng. Nhưng căn bệnh quái ác này khiến mẹ con tôi phải chấp nhận cuộc sống ăn nhờ ở đậu nơi đất khách”.

Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ, Thu rưng rưng nhớ về cái Tết được quây quần bên gia đình. Em ước ao được ngồi bên mâm cơm với người thân. Em muốn được thấy nụ cười của bố, được cùng mẹ và bà tất bật chuẩn bị cơm cúng. Em thích cảnh trẻ con làng trên xóm dưới xôn xao thời khắc sang canh hay cười đùa tít tít khi nhận bao lì xì. Lâu lắm rồi, em không cười, lâu lắm rồi em không cảm nhận được hương vị tết đoàn viên.

Ấm áp tình người cùng cảnh ngộ

Người ta hay nhắc đến tết với tính từ vui nhưng chúng tôi không hỏi, những người ở đây đón Tết có vui không?. Bởi, họ vui sao được khi bệnh tật hành hạ, vui sao được khi cô đơn nơi đất khách. Nhưng, cuộc sống là một bức tranh, không phải là chấm đen duy nhất trên tờ giấy trắng. Những người bệnh ở đây cũng vậy, họ buộc mình phải quen với hoàn cảnh, biết cách để tự vẽ thêm sắc cho bức tranh cuộc sống ở con phố tĩnh lặng, ở căn phòng chất chội.

Chị Thương (37 tuổi, Thái Bình) gầy rộc, chiếc áo dày như để che đi đôi tay nổi u cục vì phải mổ cầu tay chạy thận. Chị đến xóm chạy thận hơn 3 năm trước, và cũng đã 3 cái Tết chị không thể đoàn tụ cùng gia đình.

Gia đình - Cành đào muộn và những mảnh đời lặng lẽ nơi xóm chạy thận ngày cận Tết (Hình 3).

Anh Cương và chị Thương tết này không về quê, họ nương tựa nhau vượt qua nỗi cô đơn.

“Tôi chạy thận vào các ngày chẵn 2, 4, 6 hàng tuần. Tính theo lịch ngày tết âm lịch năm nay, lịch chạy thận của tôi vào đúng mùng Một. Dù từ Hà Nội về Thái Bình không xa nhưng lịch chạy thận dày đặc trong khi tiền đi lại tốn kém nên tôi ở lại xóm trọ. Như mọi người bình thường, ai cũng mong chờ đến tết, nhưng đối với bệnh nhân chạy thận, tết lại là những ngày buồn nhất. Tết không được ở bên người thân, còn nỗi buồn nào hơn, chị Thương ngậm ngùi.

Nhưng, chị Thương còn may mắn hơn nhiều người ở xóm trọ khi gặp được anh Cương (45 tuổi, Hà Tây), cũng là một bệnh nhân chạy thận lâu năm. Chị kể: “Như duyên phận đã sắp đặt, trong buổi đầu chạy thận, tôi được xếp giường bệnh ngay cạnh giường anh nằm. Anh Cương là người đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu bỡ ngỡ về xóm chạy thận. Cứ như vậy, hai người nảy sinh tình cảm rồi kết duyên, cùng yêu thương đùm bọc, nương tựa nhau lúc bệnh tật ốm đau”.

Ba năm chị Thương chống chọi với việc chạy thận cũng là 3 năm hai anh chị yêu thương, nương tựa nhau mà sống. Nhờ có sự quan tâm, chăm sóc của anh Cương mà chị Thương đã vơi bớt được phần nào nỗi buồn xa quê hương cũng như nỗi đau bệnh tật.

Anh Cương là một bệnh nhân chạy thận đã 25 năm, anh hiểu hơn ai hết nỗi niềm của những người dân xóm này. Họ không có tết, không có điều kiện được đoàn tụ, sum vầy với gia đình, người thân trong ngày Tết cổ truyền. Anh chia sẻ: “Hầu hết những bệnh nhân ở đây có lịch chạy thận 3 lần mỗi tuần. Nếu được xếp lịch vào ngày 30 thì đến mùng 2 họ đã phải khăn gói lên bệnh viện tiếp tục điều trị. Còn nếu lịch chạy thận vào ngày đầu năm thì họ tự hiểu sẽ không có tết bên người thân. Vì vậy, đa số mọi người sẽ không về quê mà ở lại xóm trọ”.

Những người ở đây coi xóm chạy thận là ngôi nhà gắn bó đến cuối đời. Việc đón tết bên những người thân ở xóm chạy thận đã trở thành thói quen và cũng chẳng biết từ khi nào, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao với những người bệnh nơi đây.

“Tết ở xóm chạy thận cũng vui lắm. Mấy bữa đầu năm, cả xóm cùng nhau gom góp làm mâm cơm, mua bánh kẹo cúng tất niên mừng năm mới. Rồi chúng tôi ngồi lại với nhau, hát cho nhau nghe, trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống. Ngày tết cũng có nhiều đoàn thiện nguyện đến thăm chúc Tết”, anh chị cùng chia sẻ.

Hơn bao giờ hết, những bệnh nhân chạy thận cũng mong ước được cảm nhận cái Tết đoàn viên như bao người bình thường khác, nhưng cuộc sống vốn khắc nghiệt và họ tìm niềm vui trong sự khắc nghiệt ấy. Người thân trong xóm chạy thận giúp cái tết của họ bớt buồn tủi, chạnh lòng. Bởi, tình người vẫn nồng ấm trong khốn khó.

Anh Mai Anh Tuấn, tổ trưởng xóm chạy thận chia sẻ: “Xóm chạy thận Bạch Mai hiện đang có khoảng 130 bệnh nhân, là những bệnh nhân chạy thận thuê trọ ở lâu dài từ năm này qua năm khác. Hàng năm, vào dịp tết, phải có gần 100 bệnh nhân ở lại vì lịch chạy thận dày đặc, cũng như hoàn cảnh khó khăn không có tiền để đi lại.”

THÁI PHƯƠNG

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.