Cuộc sống tạm bợ trong xóm nghèo
Phải mất cả nửa ngày xuôi ngược để hỏi đường, tôi mới "mò" được đúng địa chỉ cần tìm. Đó là một gian nhà xây thô sơ, lợp tôn tạm bợ nằm sâu hun hút trong một ngõ hẹp ẩm thấp, hôi hám. Giữa khoảng sân chật chội là những dây phơi chằng chịt võng hẳn xuống bởi sức nặng của đủ các loại quần áo cũ mới, của cả đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ con... Gọi 5 - 6 lần không thấy ai trả lời, tôi cúi gập người chui qua mớ dây phơi quần áo như mạng nhện để vào trong. Một thanh niên trẻ chừng hai mươi tuổi đang nằm ngủ lăn lóc trên giường. Lúc ấy, đã là 10h trưa mà anh ta vẫn ngủ say như chết khiến tôi phải đập mạnh vào chân mấy cái mới ú ớ ngồi dậy. Thấy khách lạ, cậu ta tỏ ra khá bối rối, sợ sệt. Cậu nói mình là Nam, nhà ở phố Quán Tiên, tình cờ quen biết hai bà cháu ở bến xe buýt. Buổi tối, Nam đi phụ xe chở đất còn ban ngày về đây ngủ.
Hai bà cháu.
Lát sau, trong nhà lại xuất hiện thêm một thanh niên khác tên là Mạnh, quê ở Thanh Hóa mới chuyển đến sống ở vùng này. Được biết anh ta cũng ăn ở tại đây. Tôi lấy làm lạ khi trong một gian nhà bé bằng cái mắt muỗi và chỉ có một chiếc giường lại có đến 2 thanh niên sống cùng một bà cụ và một cháu bé. Mạnh bảo! "Ban ngày, em đi làm đến tối mới về. Mà buổi tối thì hai bà cháu thường đưa nhau xuống Hà Nội nhặt vỏ chai, không có nhà cho nên em ngủ lại đây tiện thể trông nhà cho bà cụ luôn. Bà đi đâu chẳng bao giờ biết khóa cửa, chỉ khép hờ như không khép. Với lại, bà ở một mình cũng buồn nên lúc nào cũng muốn có người ở cùng cho vui".
Tôi nhìn quanh căn phòng trống trải mà mọi ngóc ngách đều toát lên sự lạnh lẽo, trộm nghĩ "Nhà này thì có gì mà phải trông?". Như hiểu được suy nghĩ của người đối diện, Mạnh vội giải thích "Lỡ may trộm nó lấy mất mấy bộ quần áo mà chả gay go to ấy à? Mấy cái xô nhựa kia mà bán đồng nát cũng ối tiền đấy chị ạ!".
Vừa lúc ấy, hai bà cháu được một người phụ nữ trẻ chở về nhà. Đó là Thu, một người quen của bà cụ và cũng là chị dâu của Mạnh. Cô nói thường xuyên sang đây trông nom nhà cửa cho bà cụ, đồng thời mấy bà cháu nấu nướng, ăn uống với nhau tại đây luôn. Trước đây, Thu hay trông cháu bé cho bà cụ về Hà Nội nhặt vỏ chai. Nhưng bây giờ, cô bận không trông được nữa. Vì thế đi đâu bà cụ cũng phải bế cháu đi cùng. Kể về hoàn cảnh của bà cụ, Thu tỏ ra khá xúc động.
Theo lời kể của Thu thì từ một vài năm trước, cô đã thấy bà cụ lang thang ở phố Núi (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) khi thì bán nước, khi thì nhặt vỏ chai... kiếm sống. Thấy bà cụ gầy yếu, chậm chạp, đáng thương cho nên cô hay bắt chuyện, hỏi han, giúp đỡ. Rồi một ngày, cách đây khoảng 2 năm, cô thấy bà cụ ôm về một đứa nhỏ vẫn còn phải ẵm ngửa trên tay. Hỏi thì bà bảo là cháu nội. Cô rất quý mến hai bà cháu, cho họ ở nhờ nhà mình một thời gian cho đến khi bà chuyển sang nhà mới. Nói là nhà nhưng bà để cỏ mọc cao quá đầu người như nhà hoang, Thu phải dọn dẹp mãi mới được như thế này. Cô tâm sự: "Em thương bà như mẹ, thương cháu bé như con. Nhiều khi em trộm nghĩ hay là nhận cháu làm con nuôi để cháu đỡ khổ".
Không nhớ nổi tên mình
Trong khi, cô hàng xóm tên Thu vừa đặt chân vào cửa đã nói một thôi một hồi như súng liên thanh thì bà cụ chỉ ngồi co ro trên giường lặng lẽ lắng nghe. Đợi cho cô gái kia bớt lời, tôi mới quay sang trò chuyện với bà. Giọng nói bà nghe yếu ớt, khó nhọc như thể âm thanh bị mắc lại một phần trong cổ họng. Trong câu chuyện của bà có nhiều điều mâu thuẫn và những chi tiết đôi khi rối rắm, lộn xộn. Những mảng ký ức không còn nguyên vẹn hoặc lẫn lộn với nhau về thời gian, không gian. Thậm chí bà còn không nhớ nổi tên mình, lúc thì bảo là Châu Thị Thìn, lúc lại bảo là Châu Thị Sửu. Bà chỉ nhớ tên con trai là Thành, bố của cháu bé. Còn tên cháu bé, bà cũng quên luôn. Ngay cả quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình bà cũng không sao nhớ nổi. Bản thân bà cũng không còn bất cứ một loại giấy tờ gì trên người có thể xác minh tên tuổi, quê quán cũng như những người thân trong gia đình.
Bà chỉ nhớ rằng sau khi chồng chết, bà cùng vợ chồng anh con trai lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) làm thuê kiếm sống. Hàng ngày cả 3 người đi hái rau, làm cỏ thuê cho các chủ vườn với mong muốn dành dụm tiền mua lấy một "mảnh đất cắm dùi", ổn định cuộc sống. Sau đó, cả hai vợ chồng anh Thành bất ngờ thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe máy bỏ lại đứa con trai chưa đầy một tháng tuổi. Bà bảo, sau khi vợ chồng con trai bà chết, tất cả mọi thứ quần áo, giấy tờ đều đã đốt theo họ. Còn bản thân bà vốn dĩ vẫn giữ được một chiếc giấy Chứng minh thư nhân dân nhưng vì nó quá cũ kỹ và nhàu nhĩ nên bà đã nhờ một đồng chí Công an phường làm lại giúp. Đồng chí Công an này đã nhận lời và giữ lại CMTND của bà. Với bản chất thật thà của người nông dân chân chất, bà hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa giúp đỡ của đồng chí Công an đó và yên chờ đợi.
Một thời gian sau, khi bà đến lấy CMTND thì không thấy đồng chí này làm ở đó nữa và chiếc CMTND của bà cũng không biết đã lạc về đâu? Bà hỏi hết người này đến người nọ nhưng chỉ nhận được một câu trả lời giống nhau là "Tôi không biết". Điều quan trọng là bà không có Giấy hẹn, cũng không nhớ được tên của đồng chí Công an đã cầm CMTND của mình cho nên nếu có người muốn giúp cũng khó lòng giúp được.
Hiện tại, bà cũng không có bất cứ tin tức hay mối liên hệ nào với họ hàng thân thích, bà con xa gần cho nên việc xác định lại nguồn gốc của hai bà cháu càng thêm khó khăn. Và vật quan trọng duy nhất còn sót lại có thể giúp bà tìm lại mối liên hệ với quê quán, người thân... là chiếc CMTND cũng không còn chỉ vì một hành động vô trách nhiệm của ai đó. Phải chăng với một người dân bé nhỏ, nghèo túng như bà thì người ta không cần phải giữ lời hứa?
Sau khi bố mẹ cháu bé qua đời, hai bà cháu chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Tối nào bà cũng đi xe buýt từ Vĩnh Yên xuống Hà Nội để nhặt vỏ chai. Hỏi bà tại sao không đi ban ngày mà lại đi vào buổi tối thì bà bảo "Ban ngày người ta còn bán hàng, đến tối mới có nhiều vỏ chai để nhặt". Trước đây bà có một chiếc xe đạp "cà tàng" gửi dưới Hà Nội để đi được nhiều nơi, nhặt được nhiều thứ hơn. Nhưng gần đây chiếc xe bị hỏng nên bà phải đi bộ. Trên đường đi, thấy vỏ chai, đồng nát cái gì người ta vứt đi thì bà nhặt, cho thì bà xin, bán thì bà mua... rồi bán lại cho những người thu mua đồng nát ngay trên đường. Ngày nào may mắn, bà cũng kiếm được đôi ba chục nghìn, còn ngày bình thường chỉ được 10 - 15 nghìn. Thậm chí có ngày chỉ đủ tiền cho cháu ăn còn bà phải nhịn. Nhiều hôm về muộn, không còn xe buýt nên hai bà cháu phải ngủ lại ở vỉa hè chờ đến sáng hôm sau có xe mới về được nhà. Những hôm phải ngủ ngoài đường phố như vậy, bà thường tìm những chỗ có đèn thật sáng rồi ngồi thức cả đêm trông cho cháu ngủ. Bà bảo: "Không dám ngồi ở chỗ tối. Ngồi chỗ tối bị người ta lấy hết tiền". Tôi còn hỏi thêm nhiều chuyện nữa nhưng bà chỉ ôm đầu một cách bất lực "Chưa nhớ được!". Có lúc, bà lắc đầu, rên rỉ như sắp khóc "Khổ quá! Tôi không nhớ gì cả!".
Mảnh đất con con mà 2 bà cháu đang ở được con trai và con dâu bà đặt cọc tiền mua từ khi họ còn sống nhưng vì thiếu tiền nên chủ đất vẫn chưa cho tách sổ. Một người khác biết hoàn cảnh khó khăn của bà đã đứng ra cho vay tiền giúp bà trả nốt số nợ để tách sổ với điều kiện người đó sẽ tạm thời đứng tên trong sổ đỏ cho đến khi nào bà trả hết nợ thì sẽ sang tên lại cho bà. Từ đó, hai bà cháu bồng bế nhau về đây sinh sống. Không hiểu sao, tôi lại có linh tính không tốt về người đã giúp bà mua nhà. Với thu nhập của một người nhặt vỏ chai như bà lão thì đến bao giờ mới trả hết nợ để được sang tên sổ đỏ trong khi chỉ mỗi việc lo cái ăn qua ngày thôi cũng đã chật vật lắm rồi?
Nhìn cháu bé kháu khỉnh hồn nhiên chơi đùa bên bà, tôi trộm nghĩ "Không hiểu tương lai của đứa trẻ này sẽ như thế nào?" Nhưng có lẽ sẽ rất thiếu vắng những mảng màu tươi sáng trong bức tranh tương lai đó khi mà đứa trẻ chưa có nổi một cái tên. Chính bà cũng không biết bố mẹ của cháu mình đã làm Giấy khai sinh cho nó hay chưa. Ngay cả một tấm ảnh chân dung để lớn lên cháu biết mặt cha mẹ, bà cũng không biết tìm đâu ra vì "Có tiền đâu mà chụp ảnh?". Không ngày sinh, không tên tuổi, quê quán, không bố mẹ... rồi đây bé sẽ đến trường như thế nào, được công nhận ra sao? Như chợt nhớ ra, bà vội khoe với tôi "Hôm trước, có một chú trên Hà Nội bảo sẽ xin cho cháu vào chùa Bồ Đề".
> Xem clip: 'Tết không nhà' của bà cháu nhặt rác
Dương Dung