“Bãi cọc” thoát nghèo...
Con đường dẫn chúng tôi ra bãi triều Hoàng Tân dài hun hút. Cùng với cái nắng, cái gió, đường xa làm ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Vài người trong đoàn thấm mệt, định bụng bỏ cuộc… Anh bạn tôi bảo: “Cố vài bước nữa thôi, hình như phía trước có đường rải đá đẹp có thể đi xe máy được”. Thế là cả bọn bàn nhau cử người quay lại mượn xe…
"Cánh đồng chuông gió"
Những tưởng có xe máy thì đi nhanh hơn, nào ngờ con đường phía trước ngỡ là rải đá hoá ra toàn vỏ hà, vỏ điệp lổn nhổn, trơn trượt không thể đi xe được. Mệt khi nhìn con đường xa trước mặt, nhưng lại thấy thích thú… Anh bạn lúc nãy bảo mọi người đi mượn xe máy, giờ cười bảo: "Thế giới từng nổi tiếng với “Con đường tơ lụa”, “Con đường gốm sứ” v.v.. Còn ở Hoàng Tân này, ai bảo “Con đường hà, điệp” là không độc đáo nhỉ?"
Quả đúng như thế! Với loại “đá trải đường” đặc biệt này, nhìn xa “Con đường hà điệp” trông lấp lánh như bạc trong nắng hè gay gắt. Đi trên con đường, những vỏ hà, vỏ điệp vỡ vụn dưới chân lạo xạo… Cứ thế chúng tôi cuốc bộ trên đoạn đê ngăn những đập nuôi tôm chừng gần tiếng đồng hồ thì ra đến bãi hà...
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi phía trước là một bãi bồi rộng mênh mông, dễ tới hàng trăm ha, được chăng dây cắm cọc như… mê hồn trận! Ông Lê Đồng Sơn, trưởng Phòng VH-TT thị xã Quảng Yên, bảo: “-Con hà chỉ quen bám vào gốc sú, những cây khác nó ít ở lắm. Vậy nên muốn đánh hà thì phải tìm đến những bãi sú. Nhưng các bãi bồi bây giờ sú cũng không còn nhiều nữa…”.
Và vì không có những cây sú xanh tốt, nên bà con đi đánh hà phải đem cây sú khô ra để dụ chúng. Có điều hà bám vào những cây sú khô gỡ vừa lâu, vừa khó, có khi trầy cả tay bật máu! Thế rồi, cũng không biết ai là người đã nghĩ ra cách dụ hà bằng những sợi dây xỏ từng chuỗi vỏ hà mang căng ra bãi bồi như thế này nữa. Kết quả là bãi bồi Hoàng Tân giờ đây toàn dây và cọc.
Anh bạn tôi có vẻ phấn khích: “-Mọi người nhìn xem, có giống… bãi cọc Bạch Đằng thời các cụ đánh quân Nguyên Mông không kìa! Chà, nếu chụp ảnh rồi “loè mấy đứa bạn ở Hà Nội, chắc chúng tin ngay!”.
Nghe anh bạn nói, tôi gật gù đồng ý! Bởi đúng là giống thật, không chỉ giống về vẻ bề ngoài mà cả về cách thức “bài binh bố trận” nữa. Bãi cọc Bạch Đằng các cụ bày ra năm xưa là lợi dụng quy luật thuỷ triều để dụ giặc vào trận địa mai phục; “bãi cọc” của bà con bây giờ cũng như vậy, cũng lợi dụng quy luật thuỷ triều để “dụ địch”… Chỉ có điều, ngày xưa, các cụ cắm cọc dưới sông để đánh giặc thì hôm nay, con cháu lại cắm cọc và chăng dây xuống bãi biển để… làm giàu!
Người dân xã Hoàng Tân đang thu hoạch hà trên “Cánh đồng chuông gió”.
Và một hướng làm ăn mới...
Chi phí đầu tư cho việc bố trí một “trận địa cọc” này, hoá ra cũng không nhiều lắm! Những cọc tre được dùng giá chỉ khoảng 10.000 đồng. Ai tiết kiệm thì còn có thể chặt đôi thành hai cọc. Cọc cắm xuống bãi bồi, xung quanh căng dây cố định lại. Trên dây treo những sợi cói phơi khô đã được xâu những chiếc vỏ hà. Dây cói vừa rẻ, lại thân thiện với môi trường...
Sau khi đã cắm cọc, chăng dây, treo vỏ hà v.v.. xong rồi thì chỉ còn việc ở nhà, đợi thuỷ triều lên, ấu trùng hà trôi dạt theo con nước, bám vào những chiếc vỏ có sẵn trên những sợi cói và lớn lên trên đó. Khi ra thăm bãi, thấy hà đã lớn thì chỉ việc tách ra gỡ xuống. Cứ hết lứa nọ lại kế tiếp lứa kia… Ấy là với những bãi cọc mà hà lớn bé không đồng đều thôi, còn những bãi cọc hà sinh trưởng đều, có thể thu hoạch cùng một lúc được, thì người ta có thể cắt cả dây mang về. Thu hoạch kiểu này nhanh và tiện lợi hơn, nhưng thường thì khi dây cói đã sử dụng khá lâu mới làm thế để tránh lãng phí! Cỡ chừng hai năm cọc tre bị nước biển ăn mục, bà con lại thay một lần…
Một năm hà cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 7 âm lịch năm sau. Nghĩa là chỉ có 3 tháng được nghỉ. Tôi hỏi chị Nguyệt, chủ một bãi cọc rằng “đầu ra” cho con hà thì thế nào, chị bảo: “-Cứ túc tắc mà lấy buổi sáng thế này cũng được vài chục cân rồi. Mỗi cân hà vỏ bán ra ngay tại đây cũng được 10.000 đồng. Mỗi ngày một người đủng đỉnh lấy hà cũng được hơn tạ, người nào thạo nghề thì có khi được đến 2 tạ...”. Tôi nhẩm tính, vậy ra với người thạo nghề, số tiền thu hoạch hà mỗi ngày lên tới những 2 triệu đồng; trừ chi phí, vẫn còn một khoản tiền kha khá…
Theo các chủ hà mà chúng tôi gặp trên bãi, nếu chịu khó ngồi đập vỏ, gỡ ruột thì bán cũng được khoảng 100.000 đồng cho mỗi cân hà ruột. Sau Tết Nguyên đán, hà càng đắt, có khi lên đến 300.000 đồng một cân hà ruột. Bà Tuyên, nhà ở thôn 2 xã Hoàng Tân, vui vẻ khoe với chúng tôi: “Kia là bãi nhà tôi, có khoảng hơn một mẫu. Tôi không được khoẻ cho lắm nhưng lấy một ngày cũng được cỡ tạ rưỡi hà”.
Sau khi tách lấy ruột, vỏ hà được dùng làm “đá” rải đường.
Không chỉ riêng bà Tuyên mà nhiều người khác nữa cũng tỏ ra rất hồ hởi. Bà con bảo, vào chính vụ, hà nhiều quá, còn phải huy động cả con trẻ, một buổi đi học một buổi cùng người lớn đi gỡ hà…
“Nói giàu thì chưa giàu đâu, nhưng nhờ những bãi cọc này mà người dân quê tôi giờ cũng không còn nghèo nữa!” - Bà Tuyên nói với chúng tôi.
Và vì nghề “đóng cọc đánh hà” này tỏ ra có nhiều lợi thế trong việc xoá đói giảm nghèo nên không có gì khó hiểu khi nó rất được bà con ưa chuộng. Chả thế mà có gia đình đã xây nhà ở ngoài bãi hà; rồi còn làm đường bê tông để thuận tiện cho xe ba gác ra chở hà về…
Được biết, toàn xã Hoàng Tân hiện có khoảng 600ha bãi bồi có thể làm bãi cọc được. Trong khi đó diện tích đang khai thác được hiện nay mới chỉ chiếm khoảng một phần ba. Các hộ có bãi hà rải khắp 4 thôn, nhưng nhiều nhất ở các khu vực: Cái Mây, Cái Núi, Cái Cống, Cái Gàn, Gành Sy, Con Mèo, Chương Cát, Hang Luồn, Bắc Hòn Dáu v.v..
Ông Lê Văn Việt, bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Tân, nói: “-Đây là một nguồn lợi đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho địa phương. Chúng tôi đã báo cáo lên thị xã xin được lập dự án, xin hỗ trợ cho bà con trong xã khai thác nguồn lợi này. Trước mắt, chúng tôi mong muốn được cấp trên hỗ trợ cọc tre và dây cho bà con nhân dân…”.
Cũng theo ông Việt, hiện cả xã có đến trên 160ha đang khai thác hà theo phương thức “bãi cọc chăng dây”; mỗi năm thu được chừng 800 tấn hà vỏ. Nhờ con hà mà đời sống nhân dân ở đây đang thay đổi từng ngày. Năm 2012, sản lượng nuôi nhuyễn thể của xã Hoàng Tân đạt khoảng 600 tấn (nuôi trồng 480 tấn, đánh bắt gần 150 tấn), mang về cho người dân ước khoảng trên 6 tỷ đồng.
Còn trong năm 2013 này, cả xã sẽ nuôi thả hải sản gần 1.000ha, phấn đấu thu về 780 tấn, riêng nhuyễn thể là 350 tấn, trong đó, con hà chiếm một lượng lớn. Hiện chính quyền xã đang đến từng hộ để thống kê diện tích và lập dự án đệ trình cấp trên xem xét…
Thay lời kết
Trên đường từ “bãi cọc” trở về, nhìn những xâu vỏ hà treo lủng lẳng, va vào nhau trong gió biển, nhà thơ Nguyễn Châu, người đi cùng chúng tôi, chợt nẩy ra sự liên tưởng; anh bảo: Những cây cọc chăng dây ấy giống như các cây đàn đang được lên dây, chuẩn bị cất lên khúc nhạc đổi mới…
Còn tôi, tôi lại thấy chúng như thể hàng ngàn hàng vạn chiếc chuông gió đang leng keng trong biển chiều, cả “cánh đồng chuông” đang vang ngân, mang bao hy vọng về một sự đổi thay cho vùng đất bãi này…
Theo Báo Quảng Ninh