Thời gian gần đây, trên các tuyến đường quốc lộ xuất hiện nhiều những chiêu trò lừa đảo tinh vi gây nhức nhối cho người đi đường, chúng đánh vào lòng tham và tâm lý cả tin của nạn nhân để giở trò lừa bịp.
Bán dây điện công trình với giá “siêu rẻ”
Thủ đoạn này chủ yếu nhằm tới nạn nhân là nam giới, chúng dàn cảnh một hội công nhân đi làm công trình và rút lõi được đoạn dây điện “xịn”, sẵn sàng bán lại với giá rẻ để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người đã không ngần ngại mua lại số dây điện đó nhưng khi về nhà mới phát hiện ra đó là “hàng rởm”.
Anh Đỗ Tuấn Vũ ( Lý Nhân, Hà Nam) - nạn nhân của trò lừa bịp cho hay: "Lần đó, khi đang đi trên tuyến quốc lộ 1A cũ đoạn Thường Tín thì bất ngờ một nam thanh niên áp sát. Người thanh niên này nhanh chóng trình bày về số dây điện “chôm” được từ công trình và muốn bán lại với giá rẻ".
Vì là người trong ngành điện tử, anh Vũ nhanh chóng bị hấp dẫn bởi số dây diện và mức giá mà người thanh niên kia rao bán. Theo chân người thanh niên đi xem hàng, anh Tuấn gặp thêm 3 người khác được giới thiệu là cùng trong đội công nhân. Họ mang ra 200m dây điện lõi 2x4. Anh Vũ cho biết, với số dây điện như vậy giá bán ngoài thị trường xấp xỉ 4 triệu đồng nhưng nhóm thanh niên chỉ chào giá 1,2 triệu đồng. Không ngần ngại, anh mua lại số dây mà không xem qua chất lượng.
Khi về tới nhà anh Vũ mới phát hiện mình bị lừa, lõi dây điện không được làm bằng đồng mà bằng nhôm, chúng chỉ nhét lõi đồng vào hai bên đầu dây nhằm qua mặt khách hàng.
“Bỏ ra số tiền lớn ngỡ mình mua được hàng rẻ nhưng ngờ đâu lại bị lừa đảo một cách tinh vi như vậy”, anh Vũ bức xúc trình bày.
Thủ đoạn bán dây điện “vỏ đồng” “lõi nhôm”(ảnh minh họa).
Lừa đảo bằng cách “đánh rơi tiền”
Trò lừa bịp này mới xuất hiện gần đây trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội). Chúng dùng thủ đoạn lấy tiền âm phủ mệnh giá 20.000 bọc băng keo lại, dày từ 3-5cm, sau đó lấy một đồng tiền thật mệnh giá 20.000 đồng dán dính cẩn thận ở bên ngoài để lừa người đi đường.
Khi bỏ trên đường họ cố tình để mặt có tờ tiền thật lên trên và mặt dưới bọc tờ giấy trắng và ghi vài dòng chữ liêu xiêu như: “Nhờ anh chị chuyển giúp cháu L số tiền 5 triệu đồng để đóng học phí và tiền nhà. Xin cảm ơn anh chị”. Những thủ thuật tinh vi đó đã làm không ít người nảy sinh lòng tham và sẵn sàng móc hầu bao cho họ mà cứ ngỡ mình “vớ được của”.
Chị Thủy (Thanh Hóa) là nạn nhân của trò lừa bịp này tâm sự, hôm đó trời đã nhá nhem tối, nên khi chạy đến Cầu Giẽ thì thấy một người đàn ông chuẩn bị nhặt cọc tiền trước mặt. Thấy vậy chị dừng xe và người đàn ông này hỏi đây có phải tiền của chị không? Nói rồi anh ta đưa cho chị nhìn qua loa rồi và bảo nể tình chị nên cho xin lại.
Sau đó người đàn ông này lại đưa đẩy: “Nhưng chị cũng phải trả công cho tôi chút ít chứ”. Chỉ nghe có vậy, chị Thủy rút trong túi ra và đưa cho anh ta 500.000đ và nói: “Anh thông cảm tôi hết tiền rồi, thôi anh làm phúc cho tôi xin đi”.
Vẫn chưa tin, người đàn ông đó đòi xem ví chị, khi biết “con mồi” hết tiền thật thì anh ta bảo: “Nể lắm tôi mới cho chị đấy nhé, 5 triệu chứ ít gì đâu”.
Nói rồi anh ta nhanh chân nhảy qua rào chắn rồi đi mất, riêng chị Thủy vội vàng nổ máy phóng nhanh về nhà và hí hửng vì mình có món tiền lớn.
Về đến nhà, chị khoe với chồng con là hôm nay có một thằng nó nhặt được 5 triệu đồng nhưng mình đỗ xe lại bảo của mình nó lại cho xin và chịu mất cho nó 500.000 đồng. Ngay lập tức chồng chị bảo "em bị lừa rồi" và lấy cọc tiền về mở ra thì ở giữa toàn tiền âm phủ có hai tờ bên ngoài là tiền thật.
Chị Thủy cũng cho hay, một người bạn của chị cũng rơi vào trường hợp tương tự nhưng số tiền đánh rơi lại được thay bằng “vàng giả”, các chiêu trò cũng được diễn tương tự như việc đánh rơi tiền. Thậm chí số tiền mà chúng đòi trả công còn lớn hơn rất nhiều.
Tuyến đường quốc lộ 1A cũ thường là nơi những kẻ lừa đảo hoạt động.
Dàn cảnh tai nạn, móc túi nạn nhân
Thủ đoạn của bọn lưu manh này là dàn cảnh đụng xe với người đi đường, sử dụng hai nữ quái vờ tông vào xe máy của người đi đường rồi la toáng lên là bị đụng xe và giở trò ăn vạ. Khi đó, đồng bọn của chúng sẽ đứng cạnh nạn nhân và móc túi.
Chiêu thức trên không mới nhưng vẫn có nhiều người mất cảnh giác dễ dàng để bọn lưu manh đưa vào tròng. Chị Hà, một nạn nhân bị móc túi cho biết khi đang dừng xe chờ đèn đỏ, bất ngờ chị bị một chiếc xe máy tông vào đuôi xe, hai cô gái trên xe lăn quay ra đường và ăn vạ. không rõ sự tình, chị Hà xuống xe và xem tình hình hai cô gái. Cùng lúc đó một nhóm thanh niên cũng bu vào để hỏi han.
Sau một hồi vạ vật, hai cô gái đứng dậy và phóng xe mất dạng, nhóm thanh niên cũng dần tản đi. Giải quyết xong sự cố, chị Hà cũng bước lên xe tiếp tục hành trình nhưng cảm giác trong túi quần trống trải. Rờ vào túi quần, chị tá hỏa khi chiếc iPhone mới mua đã không cánh mà bay. Thì ra trong lúc lộn xộn, nhóm thanh niên kia đã chớp thời cơ lấy chiếc điện thoại trong túi nạn nhân. Khi phát hiện thì thủ phạm đã tẩu thoát.
Những thủ đoạn nêu trên đánh vào lòng tham, sự chủ quan của người đi đường. Mọi người cần rút kinh nghiệm, đề cao tinh thần cảnh giác, không tham rẻ mà mắc bẫy đối tượng xấu, có thể phải gánh hậu quả đáng tiếc.
Sơn Tùng