Liên quan vụ việc phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh, dư luận đang rất quan tâm cập nhật thông tin từ phía cơ quan chức năng.
Đặc biệt, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang thấp thỏm, nghi trong số 39 thi thể trên có người là con em mình.
Hiện nay, phía Việt Nam vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Anh để xác định nhân thân mỗi trường hợp. Kết quả cuối cùng vẫn phải chờ công bố chính thức từ phía cơ quan có thẩm quyền của Anh.
Xung quanh vụ việc này, cùng với trước đó, một số đường dây lừa đảo, đưa người ra nước ngoài lao động trái phép đã bị cơ quan công an phát hiện, triệt phá, nhiều ý kiến cho rằng, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng và rơi vào “cạm bẫy” lừa xuất khẩu lao động.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm ổn định nên nhiều người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với mong muốn sẽ “đổi đời”.
Cũng chính vì nhu cầu ra nước ngoài lao động tăng cao nên nhiều công ty xuất khẩu lao động đã ra đời. Trong số đó, không ít doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thậm chí đưa người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp”.
Theo vị luật sư đoàn TP.Hà Nội: “Đảng, Nhà nước và các bộ ngành đã có những chủ trương, quy định rất đúng đắn, chi tiết, rõ ràng về vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tuy nhiên, khi nhu cầu xuất khẩu lao động tăng cao, một số doanh nghiệp và cá nhân đã cố tình tìm mọi cách thực hiện đưa người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm việc, dưới nhiều hình thức biến tướng.
Thậm chí, các đối tượng còn dụ dỗ người dân đi xuất khẩu “chui” thông qua các con đường du lịch, thăm người thân... rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước sở tại”.
Cảnh báo về vấn đề này, luật sư Thơm bày tỏ: “Để tránh bị lừa gạt, “tiền mất tật mang”, trước khi quyết định ký hợp đồng với một công ty, đơn vị nào đó về việc đi xuất khẩu lao động, người dân nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, nước tiếp nhận, công việc phải thực hiện, mức lương được nhận, thời gian làm việc trong ngày, chế độ phúc lợi... Các doanh nghiệp ở nước ngoài – nơi tiếp nhận lao động phải có địa chỉ rõ ràng.
Ngoài ra, phải yêu cầu phía công ty, đơn vị ký hợp đồng đưa người đi xuất khẩu lao động phải kê chi tiết các khoản thu phí và phải có biên lai rõ ràng.
Để kiểm tra xem công ty đưa người đi xuất khẩu lao động đó có được cấp phép không, người dân nên truy cập vào website:dolab.gov.vn của bộ LĐ-TB&XH. Doanh nghiệp nào được phép đưa người đi xuất khẩu lao động đều thể hiện rất rõ trên trang web này...”.
Luật sư Thơm nhấn mạnh thêm: “Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phối hợp đồng bộ để phát hiện những trường hợp đưa người dân ra nước ngoài lao động trái phép. Nếu phát hiện hành vi vi phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm minh”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) cho hay: “Mọi trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp đều phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng.
Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty, đơn vị xuất khẩu lao động chính thống mà vượt biên trái phép thì sẽ bị xử lý theo quy định”.
Luật gia Ánh Dương phân tích: “Theo Bộ luật Hình sự 2015, tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, có mức phạt cao nhất đến 15 năm tù.
Trong đó, người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Tổ chức, môi giới đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Chí Công