Khi lòng tốt bị lợi dụng
Giữa trời nắng chang chang, trên cầu Sài Gòn, một phụ nữ múc từng môi đậu hũ đổ trên cầu vào nồi. Từng giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ khiến ai cũng xót lòng. Không ít người đi đường dừng lại dúi vào tay thị tờ 20, 30, 50, 100 ngàn đồng. Cứ thế khi gánh đậu hủ được hót xong cũng là lúc hai túi áo thị căng đầy tiền. Trò cũ tái diễn khoảng một tuần, thị bị công an bắt. Tại đây thị khai nhận do không có việc làm nên làm bừa, thấy trò này dễ kiếm tiền đã nảy lòng tham.
Cũng đánh vào lòng thương cảm của người khác, tại ngã tư đường Nguyễn Kiệm - Cao Thái Sơn sáng nào cũng có một phụ nữ trung niên ngồi ở góc đường với bàn chân lở loét, máu loang lổ khắp nơi, có chỗ máu đã đổi sang màu bầm tím trông rất tội nghiệp xin tiền người đi đường. Theo người dân ở đây mỗi ngày người phụ nữ kia cũng kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, chủ yếu là khách vãng lai, chứ ai thường xuyên đi trên tuyến đường này đã quá quen với chiêu lừa của thị.
Đến công viên 2-9 (quận 1) sẽ thấy một phụ nữ dắt chiếc xe đạp ọp oẹp, trên tay bế đứa con gối đầu trên vai thiêm thiếp ngủ đi xin. Cảnh thương tâm cùng câu chuyện bị chồng nghiện hút ruồng rẫy, mẹ con ra đường không biết đi đâu đã lấy được không ít tình thương và tiền bạc của mọi người. Đối tượng dễ bị lừa nhất là những cặp tình nhân trẻ ngồi hóng mát công viên.
Trước cổng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế thường xuyên có 2 - 3 thanh niên mặc quần áo lịch sự, có lúc mặc đồng phục thanh niên tình nguyện đứng phát tăm. Tưởng tăm tiếp thị, không ít người cầm nhưng khi vừa cầm tăm thì lại được tư vấn là tăm của các em mồ côi khuyết tật làm ra, mong được mọi người hảo tâm ủng hộ. Thấy cuốn sổ với chi chít chữ ký ủng hộ mà họ đưa ra nhiều người không ngần ngại bỏ 20 ngàn đồng hoặc hơn để mua gói tăm chỉ 20 cây. Chị Hoa bức xúc vì tưởng mình ủng hộ được cho các em, ai dè khi gọi theo số điện thoại ghi trên bao tăm mới biết bị lừa.
Sự ngây thơ, cả tin phải trả giá đắt
Đang chạy xe trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), chị Hồng Trinh bị một xe máy ép vào lề đường, người đàn ông ngồi trên xe hỏi chị có đánh rơi bóp tiền không. Chị bảo không và lách xe đi tiếp. Người đàn ông lúc nãy chỉ "cái ông kia được cái bóp trong có những 2 cây vàng". Không phải của mình nhưng do người đàn ông kia bàn đến nhận rồi chia nhau nên chị đã đồng ý. Chị chạy xe vào hẻm theo người cầm bóp để xin. Nhưng khị chị dựng xe để xin bóp thì bất ngờ một thanh niên nhảy lên xe chị chạy mất hút.
Tương tự, chị Hồng Nhung khi lưu thông trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cũng bị một người đàn ông ép sát để đòi được trả bóp. Do bóp được để trong cốp xe và đang bận nên chị không để tâm mà đi tiếp. Tới cơ quan kể chuyện với mọi người chị mới biết mình vừa thoát khỏi một vụ lừa đảo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Nhung. Cách đây không lâu, ở bệnh viện Chợ Rẫy, một phụ nữ quê An Giang lên thăm nuôi chồng đã khóc ngất. Trong nước mắt chị kể, mới xuống xe buýt để đi vào bệnh viện chị và một người nữa cùng nhìn thấy một cái bóp bên đường, mở ra thấy có ít tiền và một cây vàng. Người kia bàn chia đôi, chị thì lấy vàng và đưa hơn 11 triệu đồng cho hắn. Tưởng mua được vàng rẻ để thêm tiền chữa bệnh cho chồng, đâu ngờ chị bị lừa.
Giả vờ quẹt xe để cướp tài sản
Anh Nguyễn Văn Trung ở quận Bình Thạnh khi đang lưu thông trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) bị quẹt xe ngã xuống đường. Một thanh niên lại đỡ anh dậy rồi bất ngờ gã nhảy lên xe chạy mất.
Anh Tuấn và Hoài Thông đang điều khiển xe máy tại khu vực ngã ba Phan Văn Trị - Trần Thị Nghĩa (quận Gò Vấp) bị một xe máy do hai thanh niên điều khiển va quệt. Khi Tuấn và Thông ngã xuống đường thì hai thanh niên kia quay lại hỏi han và xin được bồi thường. Nhưng bỗng nhiên chúng trở mặt đấm anh Thông khiến anh hoảng sợ bỏ chạy, anh Tuấn thấy vậy cũng rút chìa khóa chạy theo. Hai gã kia tranh thủ thời cơ đẩy xe máy chạy. Lúc này người dân mới hiểu ra đây là vụ dàn dựng để cướp tài sản nên đuổi theo và bắt được một tên.
Chuyện cướp giật, lừa đảo luôn gây cảm giác hoang mang, lo lắng với người đi đường, nhất là phụ nữ. Chị Linh vẫn ám ảnh và hoảng sợ kể lại chuyện của mình. Hôm ấy khi đang chạy xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đến đoạn bến xe Miền Đông thì một xe máy do một nam một nữ điều khiển quệt vào xe chị. Tay lái vững nên chị không bị ngã, nhưng vừa lấy được thăng bằng chiếc xe trên lại đâm ngay vào bánh sau xe chị.
Nghĩ là đường đông, va chạm là chuyện thường nên chị im lặng bỏ qua. Ai ngờ xe đó lao lên ép xe chị dừng lại. Gã thanh niên xuống xe sừng sộ chỉ tay vào mặt chị bảo làm đau tay gã còn bỏ chạy, trong khi người phụ nữ tiến sát về phía chị. Bất ngờ nhưng chị cũng tỉnh táo để rút chìa khóa xe ra. Vừa lúc đó một người đàn ông lạ mặt dừng xe lại chỉ vào mặt gã kia nói, đã tông vào người ta còn la làng. Sợ đây cũng là một màn dàn dựng nên tranh thủ hai bên cãi vã chị lách xe chạy một mạch về nhà. Trong lòng chị vẫn luôn áy náy vì biết đâu người kia có ý giúp chị thật thì chị có lỗi lắm.
Còn rất nhiều chiêu lừa đảo được sử dụng hàng ngày trên các đường phố mà một lúc chúng ta không thể nói hết, liệt kê hết được. Chỉ mong mọi người, nhất là các bậc cha mẹ và học sinh các tỉnh lên thành phố trong mùa thi đại học năm nay, hãy cẩn thận, tỉnh táo để phòng tránh.
Bảo Hằng