"Hiếm nhưng lo!"
Vào ngày 20/6/2012, sau khi thấy vợ có dấu hiệu chuyển dạ, anh Trần Hữu Đồng quê ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã đưa vợ mình là chị Trần Thị Tình lên bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) để nhập viện, mặc dù thai sản mới được 32 tuần tuổi. Sau gần một tuần nằm viện do sản phụ có dấu hiệu dọa sinh non, tiền sản giật nên ngày 26/6 các bác sĩ chỉ định mổ. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, khi lần lượt bốn bé gái được các bác sĩ bế ra phòng chăm sóc đặc biệt với sức khỏe tốt.
Đây không chỉ là một bất ngờ lớn cho gia đình bốn bé mà cho các bác sĩ thực hiện ca mổ và nhiều người. Bởi đây là một trong những trường hợp có ca sinh bốn hiếm thấy tại Việt Nam và trên thế giới, với tỷ lệ là 700.000/1 ca. Được biết tại Việt Nam trong những năm gần đây, ca sinh bốn lần này là ca thứ hai sinh mổ thành công tại bệnh viện Từ Dũ. Trước đó, vào năm 2006 là ca sinh bốn của cặp vợ chồng người An Giang.
Trở lại câu chuyện của đôi vợ chồng có ca sinh bốn này, trước khi đưa vợ lên TP.HCM, việc chăm lo và đưa vợ đi khám thai là cả một quá trình vất vả với anh Trần Hữu Đồng. Thực ra chăm vợ mang bầu là công việc anh đã từng làm cách đây đúng 10 năm sau khi chị sinh cho anh một bé gái đầu lòng và một bé trai hai năm sau đó.
Anh Đồng chia sẻ: "Lần này vợ em mang bầu rất lớn, em đưa đi khám hai lần. Lần đầu bác sĩ bảo vợ em mang thai ba bé gái, em đã thấy lo; lần thứ hai tại một phòng khám khác, bác sĩ siêu âm thấy bốn bé, là ba bé gái và một bé trai, em lại càng lo hơn". Dù nỗi lo ấy đã được báo trước, thế nhưng khi thấy bốn bé gái nằm trong lồng kính của bệnh viện sau khi vợ sinh, anh Đồng chỉ biết nhìn trong im lặng.
Ngoài cảm xúc hạnh phúc của một ông bố khi thấy các con chào đời thì nỗi lo cho tương lai liền chen lấn, anh cảm thấy tay chân bủn rủn.
Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo của cặp vợ chồng nghèo
Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, những cặp vợ chồng bình thường muốn sinh con là cả một vấn đề cần suy nghĩ. Sinh một bé đã khó khăn, sinh một lúc tới bốn bé thì quả thật đây là bài toán quá nan giải. Khó khăn hơn khi vợ chồng anh Đồng thuộc diện gia đình nghèo nhất trong vùng, bây giờ lại thêm bốn miệng ăn với tổng nhân khẩu đột ngột tăng lên thành tám người, khó lại càng khó, lo lại càng lo.
Mai này sẽ ra sao?
Sau ca phẫu thuật, ba hôm sau anh Đồng đưa vợ về quê để chăm sóc, còn bốn bé tình trạng sức khỏe tiến triển khả quan, nhưng vẫn phải ở trong phòng được chăm sóc đặc biệt với sự chú ý theo dõi của các bác sĩ.
Chúng tôi cùng với một số nhà hảo tâm ở TP.HCM xuống thăm gia đình anh vào một buổi chiều, khi trong bếp con gái anh đang nhóm lửa cho bữa cơm tối. Bếp và phòng ngủ của cặp vợ chồng chung một gian, trên giường chị Tình ngồi dậy chào hỏi chúng tôi rồi nằm trở lại. Phòng khách cũng là phòng ngủ của hai con đầu của anh chị, có lẽ cái ti vi là tài sản có giá trị nhất trong nhà mà chúng tôi quan sát được.
Theo tìm hiểu, gia đình anh Đồng thuộc diện khó khăn nhất trong vùng, công việc của anh chị cũng chỉ là làm thuê làm mướn, ai kêu thì đi làm, việc thì ngày có ngày không rất bấp bênh. Thu nhập nhiều nhất của một ngày làm việc cật lực cũng chỉ khoảng 200 ngàn đồng, với số tiền chỉ sống qua ngày nay lại đột ngột thêm bốn đứa con phải chăm sóc nữa, không biết anh chị sẽ phải làm như thế nào? Thế nhưng anh cũng chia sẻ: "Khó khăn thì như thế, nhưng vợ chồng em sẽ cố gắng chăm sóc con, tới đâu hay tới đó".
Anh Thanh, hàng xóm của anh chị chia sẻ: "Gia đình nó khó khăn vầy, giờ lại thêm bốn đứa không biết sẽ thế nào đây. Ông trời cũng hay thật, nhiều gia đình muốn một đứa con cũng không có, người thì sinh một lần ba, bốn đứa luôn. Hiện nay sau khi nghe tin đã có một số nhà hảo tâm gửi quà thăm hỏi, động viên anh chị, thế nhưng về lâu dài thì việc chăm sóc bốn cháu phải dựa cả vào sức lực của đôi vợ chồng nghèo".
Anh Nguyễn Hữu Hùng, em trai của anh Đồng, cho hay: "Gia đình bố mẹ, anh em tôi đã nghèo, tiền thì chẳng có, giờ anh trai gặp khó khăn cũng chẳng giúp được gì nhiều, chỉ sang nhà giúp anh chị một số việc trong nhà chứ không biết làm gì hơn. Nhìn khuôn mặt bé Trần Thị Yến Nhi con đầu của anh chị lục đục chuẩn bị bữa tối, khuôn mặt tươi hồn nhiên, chắc em đang vui vì có người đến thăm và mẹ vừa sinh cho Nhi mấy đứa em. Nhi vui bởi lẽ, Nhi chưa cảm nhận được nỗi vất vả mà bố mẹ và bản thân em sẽ gặp trong thời gian tới. Còn Trần Hữu Kha, em trai Nhi con thứ hai của anh chị cứ chạy khắp nhà, khi chúng tôi lại gần hỏi chuyện thì Kha chỉ cười và chạy trốn.
Nhi và Kha rồi đây sẽ như thế nào khi cuộc sống ngày càng khó khăn, bố mẹ nay phải nuôi thêm bốn em nữa. Hi vọng với sự cố gắng của cặp vợ chồng có cái tên rất ý nghĩa Đồng - Tình, thì dù khó khăn thế nào anh chị sẽ cùng nhau cố gắng vượt qua để nuôi nấng các con nên người.
Chưa có chính sách hỗ trợ những ca sinh nhiều con Hai ca sinh bốn được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam là Bắc - Nam -Thống - Nhất (SN 1977, ở Hà Nội) và Hòa - Bình - Hạnh - Phúc (SN 1993, ở Hưng Yên). Cặp sinh bốn đầu tiên được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, tặng quà, và được nhận trợ cấp đến năm 18 tuổi. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có chế độ chính sách hỗ trợ những ca sinh nhiều con một lúc (ba, bốn, năm... bé). Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho rằng, dù không được ghi cụ thể trong các văn bản luật, từ trước tới nay, Nhà nước và các ban ngành luôn có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho những gia đình sinh bốn tự nhiên. Theo ông An một số trường hợp sinh bốn trước đây thường được lãnh đạo Nhà nước, địa phương tới thăm, gửi thư chúc mừng, tặng lụa, tặng quà, thậm chí bảo hiểm còn có chế độ trợ cấp hoàn toàn cho mẹ và con cho tới khi trẻ đến tuổi trưởng thành. |
Đà Lam - Hợp Phố