Ngày 29/7 vừa qua, dư luận dậy sóng vì những hình ảnh của một cặp đôi đang "quan hệ" trong rạp chiếu phim CGV bị phát tán lên mạng. Cộng đồng chia làm hai phe đối lập khi bình luận về sự việc này. Nhiều người lên án cặp đôi làm chuyện riêng tư không phù hợp tại nơi công cộng, ảnh hưởng tới không gian thưởng thức điện ảnh và các khán giả xung quanh. Không ít người khác lại lo lắng về sự xâm phạm đời tư cá nhân tại rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, sự việc không thể chỉ dừng lại ở một khía cạnh đạo đức mà nhân rộng hơn đó là sự suy ngẫm về:
Quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Quyền đời sống riêng tư
Quyền hình ảnh.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước sự việc?
Xét về khía cạnh văn hóa đạo đức, cặp đôi trên không tránh khỏi sự phê phán vì hành vi riêng tư hoàn toàn trở thành những kẻ ứng xử thiếu văn hoá chốn đông người. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của pháp luật, cặp đôi kia hoàn toàn có quyền tố cáo CGV.
“Bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó. Đáng lẽ ra, khi camera giám sát phát hiện khách ngồi xem có những hành vi ứng xử nhạy cảm chưa đúng với nội quy rạp chiếu phim thì có quyền yêu cầu khách chấm dứt hành vi vi phạm hoặc từ chối không tiếp tục sử dụng dịch vụ thì có lẽ sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Trước những luồng thông tin trái chiều, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Điệp - công ty Luật Thiên Việt (Đông Anh, Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Điệp cho biết: "Khi khách hàng mua vé vào xem phim thì được coi là xác lập hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là CGV. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quá trình thực hiện hợp đồng, về nguyên tắc, CGV không được tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của khách".
"Trong trường hợp này, người nào đưa các thông tin trái luật lên mạng xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013 (Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Ngoài ra, trường hợp các hình ảnh "nhạy cảm" mà các cơ quan chuyên môn giám định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì những người làm ra và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích phổ biến cho người khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.", luật sự Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.
Ngoài ra luật sư Điệp cũng cho biết thêm: Trong trường hợp cặp đôi trên gửi đơn trình báo lên cơ quan Cảnh sát điều tra tại địa điểm xảy ra sự việc, nếu hành động của nhân viên rạp CGV ấy nằm trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì lúc ấy cả CGV và nhân viên trực thuộc phải chịu trách nhiệm hình sự.