Cảnh sát du lịch cũng chỉ đi... ngắt ngọn?

Cảnh sát du lịch cũng chỉ đi... ngắt ngọn?

Thứ 2, 20/05/2013 07:30

Liên tiếp những vụ "chặt chém" du khách khiến hình ảnh du lịch Việt Nam thời gian qua bị méo mó. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, có ý kiến cho rằng nên thành lập cảnh sát du lịch.

Vẫn chỉ là ý tưởng...

Trước thực trạng "chặt chém" du khách diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ngay giữa Thủ đô, ngành du lịch đã phải lên tiếng xin lỗi. Từ đó, nhiều ý kiến đã mạnh dạn đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc công an TP.Hà Nội cho rằng: "Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch là ý tưởng hay. Tôi cho rằng, nếu được các cấp chức năng cho phép thì sẽ triển khai phục vụ nhân dân".

Trong khi đó, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long cho rằng: "Chủ trương thành lập các lực lượng cảnh sát du lịch để giúp cho công an rất tốt, nhưng điều này còn phụ thuộc vào quy định của Chính phủ, chứ công an thành phố không thể quyết định được".

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện công ty du lịch Viettravel cho rằng: "Thực ra trong các địa điểm tham quan, du lịch đều có lực lượng giữ gìn trật tự an ninh, tuy nhiên, họ chỉ hỗ trợ làm công tác trấn an tinh thần cho du khách thôi. Hiện tại bộ phận để giải quyết những vấn đề liên quan đến du khách tại điểm tham quan thì đã có bộ phận đường dây nóng khác đảm nhiệm chứ không phải bộ phận cảnh sát du lịch giải quyết.

Trên thực tế, ở những nước trong khu vực bộ phận cảnh sát du lịch là cần thiết để tham gia và trấn áp kịp thời những hành vi xâm phạm tới tài sản và tính mạng của khách. Lực lượng này vừa có tác dụng tạo hình ảnh, tạo an tâm cho khách đồng thời có tác dụng tác động thiết thực đến những trường hợp cụ thể có thể hỗ trợ du khách ngay tức khắc".

Nhìn nhận thực tế này, nguyên Viện trưởng viện Khoa học chiến lược bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: "Nếu công tác quản lý văn hóa, du lịch không tốt thì việc thành lập cảnh sát du lịch cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nếu khách du lịch gặp phải những rắc rối và không quay trở lại điểm điểm du lịch đó nữa thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Tốt nhất, ngành du lịch hãy nhìn thẳng vào mình, thấy chỗ nào bất cập thì phải sửa. Cứ bất cập lại đẻ ra ông cảnh sát thì chết dở. Nếu có ông cảnh sát du lịch thì ắt hẳn sau này cũng sẽ "đẻ" ra cảnh sát chợ à?".

Xã hội - Cảnh sát du lịch cũng chỉ đi... ngắt ngọn?

Nhóm du khách Pháp bị "chặt chém" ngay tại Thủ đô

Du lịch cần có "cuộc đại phẫu"

Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, muốn khắc phục những bất cập của ngành du lịch hiện nay, trước hết phải có một cuộc “giải phẫu” ngành du lịch, phải thẳng thắn phân tích cái hay, cái dở ở đâu, do nguyên nhân nào và bất cập ở đâu. Từ đó phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để tìm ra biện pháp hay nhất mà không cần cảnh sát du lịch.

Tuy nhiên, trước quan điểm này, ông Nguyễn Minh Mẫn lại khẳng định: "Trên thực tế công tác quản lý thì lực lượng cảnh sát du lịch là cần thiết. Đó là đơn vị chính thức về chức năng được giao quyền trấn áp tội phạm bên cạnh lực lượng công an. Lĩnh vực liên quan đến du lịch thì cảnh sát du lịch sẽ triển khai chặt chẽ và mang tính chất chính quy hơn.

Hiện tại bây giờ bảo vệ các khu du lịch thì bảo vệ trong khuôn viên khu du lịch là ổn còn nếu du khách bước ra ngoài khu khuôn viên đó, không ai có thể đảm nhận được hết những hoạt động bên ngoài của du khách. Trong khi đó, diện tiếp xúc bên ngoài của du khách thì rất lớn".

Ngành du lịch chưa làm hết trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia du lịch, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng du khách bị bắt chẹt gây mất trật tự an sinh xã hội là do khâu quản lý du lịch chưa tốt, người quản lý văn hóa, người đứng đầu địa phương làm chưa hết trách nhiệm, vai trò của mình. Do đó, việc thành lập cảnh sát du lịch có chăng chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể giải quyết được những bất cập hiện nay.

Cũng theo ông Mẫn, trong tình hình hiện nay ngoài việc trộm cắp cướp giật rồi "chặt chém" có những vấn đề khác liên quan tới vệ sinh, ô nhiễm môi trường trong điều kiện du lịch chưa có đơn vị nào giám sát. Luật thì có nhưng người giám sát thì không nên dù có cảnh sát du lịch thì lực lượng này cũng chỉ là những người trực tiếp làm việc những vấn đề liên quan tới du khách và du lịch, ghi nhận lại những trường hợp xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình, bên cạnh đó tạo sự an tâm cho du khách.

Cứ nhìn vào cục diện của ngành du lịch, thì không phải nơi nào nạn "chặt chém" cũng diễn ra. Nếu người làm du lịch không chuyên nghiệp, chạy theo tâm lý tận thu theo mùa mới khiến du khách "ăn trái đắng". Trong khi đó, TP.Đà Nẵng lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế, mọi vi phạm đều được chấn chỉnh, chính quyền tuyên truyền đến từng người dân thì nạn "chặt chém" hầu như không xảy ra. "Rõ ràng cảnh sát du lịch hoặc một lực lượng nào khác vẽ thêm thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn thôi còn căn bản vẫn không giải quyết được vấn đề của ngành du lịch", đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.

Để du lịch Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhất là đối với khách quốc tế thì bản thân ngành du lịch phải nỗ lực hơn nữa. "Chắc chắn sẽ có biện pháp hay hơn để giải quyết những bất cập của ngành du lịch hiện nay mà không cần phải thành lập cảnh sát du lịch.

Tuy nhiên, giải pháp này không thể ngồi không mà nghĩ ra được, cần phải có kết luận của cuộc “phẫu thuật”, rồi những người làm công tác quản lý, kết hợp với nhau để tìm ra giải pháp hay nhất mà không cần cảnh sát du lịch", ông Cương nói.          

Minh Khánh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.