Liên tiếp thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến TP Đà Nẵng xuất hiện nhiều cảnh sát “dởm” nhưng ngang nhiên đi vào “lòng dân”, sự việc chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Cảnh sát “dởm” nhan nhản
Ngày 14/5, Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã ra quyết định khởi tố đối tượng Nguyễn Kháng, (SN 1979), trú tại huyện Lộc Điền về hành vi giả danh cảnh sát giao thông để đòi tiền mãi lộ. Đối tượng Nguyễn Kháng nắm được quy trình tuần tra kiểm soát của CSGT nên đã mua máy ảnh chụp các phương tiện chạy lấn làn đường, chạy quá tốc độ…. Với trang phục của CSGT, Kháng thường ẩn nấp ở Đèo Phú Gia, Phước Tường, huyện Phú Lộc chặn xe và cho các tài xế xem ảnh những những lỗi đã vi phạm và đòi chung chi những lỗi trên 500.000 đồng.
Cảnh sát “dởm” Bùi Văn Tiến
Sự “dễ dãi” quá của CSGT “dởm” bị phát hiện khi ngày 25/4, đối tượng Kháng đã chặn một xe ô tô bị lỗi nặng, theo quy định lỗi này lẽ ra phải bị phạt 2,5 triệu đồng, nhưng Kháng chỉ lấy 500.000 và với thái độ muốn “nhanh gọn” đã bị tài xế phát hiện là CSGT “dởm” và báo công an. Ngay sau đó, Kháng đã bị Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bắt giữ và ra quyết định khởi tố đối tượng.
Ngày 21/5, cơ quan CSĐT, công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã bắt khẩn cấp cảnh sát “dởm” Mai Thành, (SN 1990, trú tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi mua được trang phục cảnh sát ở chợ, Thành tự “phong” mình là cảnh sát hình sự của công an TP Đà Nẵng và có “năng lực” xin việc làm.
Thành lừa gạt người dân là quen lãnh đạo phụ trách an ninh ở sân bay Đà Nẵng và xin được công việc nhân viên anh ninh hay lái xe vào làm việc ở đây... .Để tạo niềm tin cho “con mồi”, Thành gọi điện cho một giám đốc công ty vệ sĩ cũng đang cần tuyển nhân viên an ninh và “không quên” bật loa ngoài cho “con mồi” nghe để chứng kiến Thành đang nói chuyện với “lãnh đạo” an ninh sân bay Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, Thành còn dẫn “mồi” về tận phòng chơi để chứng kiến tận mắt bộ trang phục cảnh sát của mình đang được treo trong phòng, để tăng thêm niềm tin và muốn có công việc trong an ninh sân bay, Thành ra giá từ 25-40 triệu một xuất…. Chỉ đến khi lực lượng công an Đà Nẵng vào cuộc thì chân dung cảnh sát “dởm” này mới bị lộ.
Ngày 5/6, công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, vừa bắt tạm giam đối tượng Bùi Văn Tiến, (SN 1987, trú tại tỉnh Thái Bình) là đối tượng đang bị truy nã. Theo một số nhân chứng kể lại, những ngày qua trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một nam thanh niên mang sắc phục công an với quân hàm thiếu tá, nhưng nhìn mặt trẻ măng, ngay sau đó cảnh sát “dởm” Bùi Văn Tiến được mời về làm việc tại cơ quan công an. Trong quá trình điều tra, công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện Tiến mang theo một khẩu súng ngắn bắn đạn bi, máy tính xách tay, máy tính bàn cùng nhiều ảnh thẻ cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông...
Tại cơ quan công an, Tiến khai nhận trong lúc đang bị tù về án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trốn khỏi trại giam và mới vào Đà Nẵng được thời gian ngắn. Hiện sự việc đang được cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ.
Ý kiến từ người trong ngành
Thực trạng trước một số đối tượng giả danh CSGT chặn xe, bắt lỗi, vòi tiền chủ xe… Đại Tá Nguyễn Đến, trưởng Phòng CSGT (PC 67) CA TP Đà Nẵng cho biết: “Để nhận biết CSGT thật hay giả trên các quốc lộ chính, một tổ CSGT có ít nhất phải từ 3 người trở lên và phải có phương tiện đặc chủng của ngành (ô tô, xe máy...) trừ trường hợp được điều đi giải tán đám đông tránh ùn tắc giao thông trên quốc lộ, hay trong khu phố thì có hoặc không có phương tiện đặc chủng... Còn đối với những chủ xe bị tổ CSGT chặn phương tiện, điều trước tiên chủ phương tiện sẽ được lực lượng CSGT thông báo vi phạm lỗi gì, có hình ảnh vi phạm lỗi và được chụp từ loại máy gì và thời gian chup…. Còn đối với những hình ảnh phổ thông hay trực tiếp xem từ máy ảnh... thì đó là những đối tượng giả danh CSGT".
Đại Tá Nguyễn Đến cũng cho biết thêm, hiện nay trên thị trường bán quá nhiều các trang phục, tư trang của CSGT từ quấn áo, bảng hiệu, ngay cả cả đến còi, đèn của xe đặc chủng cũng bầy bán tràn lan. Đây chính là nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng, do đó các cơ quan chức năng liên quan cần thiết phải vào cuộc để xử lý đối với những cửa hàng bày bán các phương tiện của lực lượng CSGT, có như vậy mới chấm dứt hay hạn chế được các hành vi giả danh của các đối tượng.
Thượng tá Trần Mưu
Thượng tá Trần Mưu, trưởng phòng PC45, Công an Đà Nẵng cho biết: “Những đối tượng giả danh cảnh sát thường nắm được tâm lý của người dân có nhu cầu xin việc làm hay khó khăn tìm hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc... do đó, chúng thường lân la đến để lợi dụng. Để nhận biết giữa cảnh sát thật và giả thì người dân nên hỏi rõ tên tuổi, đơn vị công tác và kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất”.
Quang Huy