Cảnh sát giao thông lạm dụng “đánh đu”?

Cảnh sát giao thông lạm dụng “đánh đu”?

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Thời gian gần đây, tình trạng lái xe vi phạm giao thông nhưng cố tình chống đối, bỏ chạy đã khiến nhiều chiến sĩ công an phải đánh đu lên cửa xe, cần gạt nước. Một hiện tượng tưởng chừng như hi hữu của thế giới lại trở thành chuyện thường xuyên ở Việt Nam.

Điều này chứng tỏ ý thức của người tham gia giao thông ở Việt Nam đang rất kém những cũng có ý kiến cho rằng, cảnh sát giao thông (CSGT) bám cần gạt nước, đánh đu trên đầu xe...là thiếu chuyên nghiệp và liều lĩnh trong khi vẫn có thể lựa chọn các cách xử trí khác tốt hơn.

Có lẽ hiếm ở nơi nào, những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trên các cung đường lại bị kháng cự nhiều như ở Việt Nam. Chuyện CSGT bị hất lên nóc ca-pô diễu phố, bị nhốt trên xe phóng vèo vèo hàng km.. đếm sơ sơ cũng đến cả chục lần. Thô lỗ hơn, có kẻ còn dám ngang nhiên dọa dẫm, thách thức cả lực lượng chức năng bằng cách… thoát y ngay trước mũi xe.

Gần đây nhất, sự việc một chiến sĩ cảnh sát liều lĩnh bám trước cần gạt nước đầu xe tải trên đoạn đường gần 1km khiến báo chí trong và ngoài nước, các diễn đàn trang mạng thêm một phen dậy sóng.

Cụ thể ngày 9/4, Trung úy cảnh sát Nguyễn Mạnh Phan (Đội CSGT Công an huyện Ba Vì, Hà Nội) làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước cổng bệnh viện. Khi phát hiện chiếc xe khách 39 chỗ ngồi, mang biển kiểm soát Hà Nội có dấu hiệu phạm luật, trung úy Phan ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Tài xế không những không xuất trình giấy tờ mà còn nhảy lên buồng lái, lao vút đi. Trung úy Phan phải đu bám vào cần gạt nước và liên tục tìm chỗ đứng an toàn. Pha tấn công cảnh sát mạo hiểm ấy chỉ được dừng lại khi công an và người dân ráo riết truy đuổi tài xế.

Không dừng lại ở việc đẩy CSGT lên capo, cho CSGT đánh đu cần gạt, một số đối tượng vi phạm luật giao thông còn sẵn sàng dùng vũ khí để chống đối. Và nhiều vụ đổ máu đáng tiếc đã xảy ra ngay tại địa điểm xử phạt.

Trao đổi với báo chí, một vị lãnh đạo Bộ Công an cho biết: mỗi năm đối tượng chống người thi hành công vụ đều gia tăng với mức độ manh động, liều lĩnh hơn. CSGT thường là lực lượng bị chống đối nhiều nhất.

Cũng theo vị cán bộ này, CSGT chỉ được đào tạo về chỉ đường, điều khiển, xử phạt giao thông chứ không được học võ nên dễ bị các đối tượng hành hung.

Bên cạnh việc phẫn nộ với những kẻ cố tình coi thường luật pháp, không ít người cho rằng CSGT ở Việt Nam làm việc thiếu bài bản, chuyên nghiệp, chưa nói thái quá trong việc xử trí một số tình huống. Điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân chiến sĩ công an mà còn nguy hiểm đến tính mạng người đi đường.

Xã hội - Cảnh sát giao thông lạm dụng “đánh đu”?

Cảnh sát bị tài xế hất lên nóc ca-pô diễn xiếc trên phố

Nhận thức người dân còn thấp

Luật sư Trần Mỹ Long, Văn phòng luật sư Sao Biển, Đoàn luật sư Hải Phòng cho rằng: “Khoản 1, Điều 257 BLHS quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hiện nay khung hình phạt, chế tài xử lý tội danh chống người thi hành công vụ với các hành động chống đối mang tính bột phát đã có tính răn đe.

Tuy nhiên, nhận thức của người dân về vấn đề này còn rất thấp, tính thực thi của luật còn yếu. Chính vì vậy, muốn hạn chế được các vụ việc tương tự, cần phải có sự tự giác từ cả hai phía: người dân và CSGT”.

Ý thức chấp hành luật tỷ lệ thuận với hình ảnh CSGT

Chị Trần Thị Thu, Thanh Trì, Hà Nội cho rằng: “Chống người thi hành công vụ là một việc làm đáng lên án. Song không phải ngẫu nhiên mà tình trạng trên xảy ra phổ biến. Không ít người cứ nhìn thấy CSGT đều có tâm lý hoảng sợ, bực bội. Vì vậy, khi bị bắt khó tránh khỏi phản ứng quá khích, tiêu cực.

Tôi cho rằng, lực lượng CSGT cần phải chú ý đến tác phong khi xử lý các lỗi vi phạm giao thông. Có lần vào TPHCM, tôi bắt gặp một nữ CSGT, mặt mũi đỏ rực, mồ hôi nhễ nhại đứng phân làn dòng xe đang tắc nghẹn dưới trời nắng gắt.

Nhìn những hình ảnh ấy, chẳng ai bảo ai mà xe cộ cứ qua lại răm rắp, trật tự. Tôi tin khi hình ảnh CSGT đẹp hơn trong mắt người dân thì chắc chắn ý thức chấp hành giao thông của họ cũng sẽ được cải thiện”.

“Đánh đu” là thiếu chuyên nghiệp

Một thành viên trên diễn đàn Autopro cho rằng: “Cảnh đu người bắt xe của CSGT được nhiều người cho là dũng cãm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, lại cho thấy CSGT này có gì thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta không thiếu gì cách an toàn để bắt dừng một chiếc xe vi phạm.

CSGT không nhất thiết cứ phải lao ra giữa đường trước bao nhiêu xe cộ nườm nượp qua lại để chặn xe, vừa nguy hiểm, lại vừa phản cảm.

CSGT dùng dùi cui đánh chặn người vượt đèn đỏ cũng chứng tỏ cách ứng xư thô bạo. Và tôi chắc rằng, trên khắp thế giới không, có đất nước nào lại xử lý vi phạm bằng cách thọc gậy bánh xe hay tung lưới đánh cá khiến người dân đang chạy xe phải khiếp đảm lăn quay ra đường”.

Xã hội - Cảnh sát giao thông lạm dụng “đánh đu”? (Hình 2).

Hình ảnh cảnh sát giao thông đánh đu trên cần gạt nước gây xôn xao dư luận

CSGT cũng cần phải xử sự chuẩn mực

Trao đổi với PV Người đưa tin, Thượng tá Trần Sơn - Phó phòng hướng dẫn luật và điều tra tai nạn giao thông Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho biết:

“Vị trí đứng của CSGT khi làm nhiệm vụ phải tuân theo quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát vi phạm do Bộ ban hành. Một tổ thường có từ 2-3 cảnh sát, nhiều nhất là 5 người. Vị trí đứng của mỗi người, ai ra tín hiệu dừng xe, ai lập biên bản xử lý, kiểm tra giấy tờ xe... đều có đội hình”.

Liên quan đến phản ứng của CSGT, ông Sơn cũng đưa ra ý kiến bình luận:

“CSGT cần phải rút kinh nghiệm từ những sự việc báo chí nêu, nên xử sự chuẩn mực và không quá cứng nhắc. Ngoài ra cũng phải biết coi trọng sự an toàn của bản thân và tổ công tác. Các vụ CSGT bất đắc dĩ phải diễn xiếc trên nóc capo thường là do hành vi cố tình của lái xe, song mỗi cán bộ phải biết tìm cách ứng xử sao cho linh hoạt, thông minh”.

Cố tình tông vào CSGT là hành vi giết người

Thượng tá Nguyễn Đức Tân - Phó trưởng phòng CSGT Bắc Ninh cho rằng: “Nguyên nhân xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ là do một bộ phận thanh niên có tính côn đồ, không chấp hành luật pháp, thậm chí chủ động khiêu khích, thách thức lực lượng chức năng. Trong khi đó, việc xử lý hình sự quy định trong một số điều luật còn quá nhẹ”.

Thượng tá Tân dẫn chứng, mới đây, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử một thanh niên sinh năm 1972 về hành vi Chống người thi hành công vụ (người thanh niên này đã hất CSGT lên nắp capô chạy hơn 1km).

TAND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tuyên phạt bị cáo mức án 30 tháng tù giam. Nhưng theo Thượng tá Tân, với những trường hợp cố tình tông thẳng vào CSGT cần nghiêm khắc truy tố tội giết người.

Đôi khi CSGT là người có lỗi

Tiến sỹ luật Đỗ Trí Học (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng: “Nên có cái nhìn đa chiều về tình trạng chống người thi hành công vụ. Cũng có trường hợp CSGT xử lý quá cứng nhắc, áp dụng luật không linh hoạt khiến lái xe không phục.

Nhiều trường hợp CSGT là người có lỗi. Chẳng hạn, trường hợp CSGT đang đứng quá sát ở đầu xe ô tô mà lái xe rồ ga thì buộc CSGT phải nhảy lên nắp capô hay bám cần gạt nước của xe nếu không thì nguy hiểm cho tính mạng.

Còn trường hợp cách xa khoảng 3-4m mà CSGT cố tình không tránh thì cũng có lỗi. Hay nhiều trường hợp, cũng không cần phải liều mình truy đuổi đến cùng nếu như việc đó không đảm bảo an toàn giao thông”.

Lan – Thơm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.