Báo chí quốc tế đưa tin, cảnh sát đã triệt phá đường dây doping quốc tế diễn ra ở Erfurt (Đức). Trong số 5 VĐV bị bắt giữ có 2 người Áo, 1 người Kazakhstan và 2 người Estonia. Họ vẫn chưa được chính thức xác định danh tính.
Trong chiến dịch tại Đức, có 2 người bị bắt, trong đó 1 bác sĩ được cho là có liên quan đến doping trong bộ môn xe đạp.
AFP trích lời của Dieter Csefan thuộc FPO cho hay VĐV này “bị bắt khi đang truyền máu”.
Trong tuyên bố đăng tải trên trang web, Liên đoàn Trượt tuyết thế giới (FIS) cho biết:
“FIS đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan công quyền của Áo về những chuyện xảy ra hôm nay và sẽ theo dõi vụ việc này đồng thời thực hiện các hành động cần thiết theo đúng những quy định chống doping của FIS và của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA). FIS sẽ hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là cơ quan quản lý nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của môn thể thao này và nhằm bảo vệ tất cả những VĐV trong sạch”.
Những cuộc vây ráp trên diễn ra sau khi một bộ phim tài liệu được chiếu trên đài truyền hình Đức ARD, trong đó Johannes Dürr - VĐV trượt tuyết người Áo bị cáo buộc sử dụng doping sau Olympic mùa Đông 2014. Người này thừa nhận đã nhiều lần truyền máu và sử dụng EPO và hormone tăng trưởng trong một số khách sạn gần phi trường Munich và ở những nơi khác trên khắp nước Đức, trong đó có Oberhof và Irschenberg.
VĐV này không kể tên bất kỳ người nào từng giúp anh sử dụng những chất tăng cường thành tích bị cấm trong thể thao.
Nhật báo Đức Suddeutsche Zeitung (SZ) viết rằng “vẫn chưa biết được số lượng các VĐV Đức bị nghi ngờ nhiều đến mức nào”.
Sáng ngày 27/2/2019 (giờ địa phương), trong một chiến dịch phối hợp ở Seefeld và ở Đức, có tổng cộng 9 người đã bị bắt giữ và 16 ngôi nhà bị lục soát theo lệnh của Tổng chưởng lý Munich và STA Innsbruck”, theo tuyên bố của cảnh sát Áo.
Thông báo của cảnh sát Áo cho biết thêm: “Nhóm tội phạm ở Erfurt bị nghi ngờ đã giúp các VĐV hàng đầu sử dụng doping trong nhiều năm nhằm nâng cao thành tích ở các giải đấu trong nước và thế giới để thu lợi bất chính".
Sama (tổng hợp)