Ngày 18//9, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt tạm giam luật sư Nguyễn Bằng Phi, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi được tin ông Phi bị bắt tạm giam , bà Hoàng Thị Hằng, mẹ của bị can đã có đơn đề nghị Văn phòng Luật sư Trí Việt cử luật sư tham gia tố tụng, bào chữa cho ông Phi ngay từ giai đoạn điều tra.
Luật sư Nguyễn Bằng Phi. Ảnh: GDVN
Luật sư Trần Việt Hùng, VPLuật sư Trí Việt cho biết, ông đã nộp hồ sơ tham gia tố tụng của luật sư tại CQĐT với các giấy tờ cần thiết như: đơn mời luật sư của bà Hằng, giấy giới thiệu, các giấy tờ chứng minh tư cách của luật sư bào chữa theo quy định của pháp luật. Theo luật định, trong 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của luật sư, CQĐT phải cấp giấy chứng nhận để luật sư tham gia tố tụng. Tuy nhiên, mãi đến ngày 3/10, CQĐT mới có văn bản trả lời VPLS Trí Việt, với nội dung từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Hùng.
Theo giải thích của điều tra viên, hồ sơ của luật sư Hùng thiếu hợp đồng dịch vụ pháp lý với thân chủ nên cảnh sát từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa. Theo ông Hùng, cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Ninh còn yêu cầu luật sư phải cung cấp hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là phải ghi rõ.. số tiền thù lao.
Ngày 29/9/2011, CQĐT còn có văn bản gửi VPLS Trí Việt, khẳng định rõ lý do mà CQĐT “đòi” hợp đồng dịch vụ pháp lý của VPLS với khách hàng là "căn cứ Điều 26 Luật Luật sư và Điều 56, Bộ luật Tố tụng hình sự".
Văn bản của cảnh sát cho rằng, nếu không có hợp đồng trên thì...chưa đủ căn cứ để cho luật sư tham gia bào chữa.
Quyết Chiến