Cạnh tranh chính sách visa đón khách quốc tế, cuộc chạy đua ngày càng gay cấn

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 2, 27/02/2023 11:34

Miếng bánh thị phần khách du lịch quốc tế sẽ được phân chia lại khi toàn cầu đang diễn ra cuộc chạy đua gây cấn để phục hồi ngành công nghiệp không khói. Trong cuộc đua này, đã ghi nhận những chính sách cực kỳ linh hoạt, nhạy bén của nhiều quốc gia nhằm đón dòng khách “vàng” bùng nổ sau dịch.

Cuộc đua về chính sách thị thực

Hiệu quả thu hút du khách nhờ nới lỏng chính sách visa đã được thấy rõ khi Hàn Quốc áp dụng hình thức multiple visa - thị thực cho phép ra vào nhiều lần từ cuối năm 2018. Loại hình visa này có thời hạn lưu trú 30 ngày và không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Chính sách này đã được đất nước kim chi nhanh chóng áp dụng trở lại sau đại dịch. Chỉ 3 tháng sau khi được kích hoạt, đến tháng 9/2022, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc đã tăng 7 lần từ 1.000 lên 7.000 lượt khách/tuần.

Trong khi đó, chính sách e-visa Quan Hồng của Đài Loan (Trung Quốc) được mở lại vào tháng 11/2022 hướng đến nhóm khách đi theo tour, đoàn qua các công ty lữ hành được chỉ định với thủ tục đơn giản, thuận tiện, không mất phí và có thể nhận visa trong “một nốt nhạc”. Công dân của 5 nước Đông Nam Á và Ấn Độ nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được miễn visa nhập cảnh Đài Loan với thời hạn 90 ngày, lưu trú đến 30 ngày và trong thời gian còn hiệu lực, visa có thể sử dụng nhiều lần.

Kinh tế - Cạnh tranh chính sách visa đón khách quốc tế, cuộc chạy đua ngày càng gay cấn

Nhiều quốc gia công bố chính sách visa hấp dẫn để hút khách quốc tế. Ảnh minh họa

Thời điểm mới áp dụng, chính sách này ngay lập tức đã cho thấy hiệu quả khi lượng khách Việt Nam đến Đài Loan tăng đến 100% so với cùng kỳ, lượng khách từ Philippines và Thái Lan cũng đã tăng gấp đôi trong vòng ba năm.

Những chính sách thị thực đặc biệt hướng tới tinh gọn thủ tục, giảm rào cản cho khách quốc tế kể trên đã thể hiện rõ quyết tâm vực dậy du lịch của các quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nhu cầu du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Trong khi Việt Nam vẫn giữ nguyên chính sách visa với khách quốc tế thì nhiều nước trong khu vực đã linh hoạt điều chỉnh chính sách thị thực, nhanh chóng nắm cơ hội khi “cờ đã đến tay”. Không cần phải đưa ra một loại hình visa nào quá đặc biệt, mà chỉ cần điều chỉnh chính sách hiện có theo hướng kéo dài thời gian lưu trú và cho phép du khách có thể xuất/nhập cảnh nhiều lần là đã có thể mang lại hiệu quả tích cực cho ngành du lịch.

Kinh tế - Cạnh tranh chính sách visa đón khách quốc tế, cuộc chạy đua ngày càng gay cấn (Hình 2).

Thái Lan đặt mục tiêu thu hút tới 30 triệu khách quốc tế năm 2023. Ảnh Shutterstock

Đó là câu chuyện của Thái Lan, khi quốc gia này kéo dài thời gian lưu trú cho khách quốc tế từ mức 30 ngày lên 45 ngày, từ 15 ngày lên 30 ngày vào cuối năm 2022 nhằm tăng chi tiêu của du khách, đặc biệt trong bối cảnh những chuyến du lịch dài ngày sau thời gian “ngủ đông” vì dịch đang lên ngôi.

Bên cạnh đó, nước này cũng ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao trải nghiệm của du khách trong quá trình xin và sử dụng e-visa, cho phép du khách được nhập cảnh nhiều lần vào Thái Lan khi visa còn hiệu lực. Nhờ vậy, năm 2022, Thái Lan đã đón 11,8 triệu lượt khách, vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Xuất hiện nhiều chính sách đặc biệt

Cuối năm 2022, có khoảng hơn 50 quốc gia đã triển khai các chương trình thị thực dành cho nhóm đối tượng du mục kỹ thuật số (digital nomad) - những người thường xuyên xê dịch, làm việc từ xa qua các thiết bị công nghệ và không bị phụ thuộc vào địa điểm cố định. Sau đại dịch Covid-19, mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp dần thay đổi, cho phép người lao động làm việc từ xa nhiều hơn. Điều này tạo cơ hội cho các quốc gia nhanh nhạy chớp thời cơ đón và giữ chân “du mục kỹ thuật số”, đặc biệt là giới có tri thức và thu nhập cao.

Lợi ích từ việc thu hút nhóm du mục kỹ thuật số này không hề nhỏ. Ước tính với khoảng 35 triệu digital nomad trên toàn thế giới, nhóm này đóng góp tới 787 tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu (theo trang Two Tickets Anywhere). Trong 10 điểm đến phổ biến nhất của giới du mục này, Đông Nam Á có đến 4 cái tên gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Kinh tế - Cạnh tranh chính sách visa đón khách quốc tế, cuộc chạy đua ngày càng gay cấn (Hình 3).

Nhiều quốc gia tung chính sách visa đặc biệt dành riêng cho nhóm du mục kỹ thuật số. Ảnh Shutterstock

Khu vực Đông Nam Á vốn là vùng đất lý tưởng của hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm thời điểm trước Covid-19, đồng thời cũng là nơi ở và làm việc từ xa của nhiều người. Do đó các quốc gia trong khu vực này đang cân nhắc những chính sách phù hợp nhất hướng đến nhóm đối tượng ở lâu dài, chi tiêu nhiều như giới du mục kỹ thuật số. Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã tiên phong triển khai các chương trình cấp thị thực dành riêng cho dân du mục kỹ thuật số.

Theo đó, tháng 9/2022, Thái Lan ra mắt chương trình cung cấp thị thực dài hạn (TLR) dành cho 4 nhóm ứng viên nước ngoài, trong đó bao gồm dân du mục kỹ thuật số có tay nghề cao. Chương trình nhằm mục đích biến Thái Lan thành lựa chọn “ngôi nhà thứ hai” hấp dẫn cho công dân toàn cầu và mở rộng nhóm chuyên gia lành nghề kinh doanh tại quốc gia này. Giới chức Thái Lan hy vọng, chương trình sẽ giúp thu hút một triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm tới, kéo theo những khoản đầu tư mới trị giá 800 tỉ baht (21 tỷ USD) vào nền kinh tế.

Malaysia cũng đã triển khai chương trình thị thực du mục kỹ thuật số với những điều kiện thoáng hơn, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm làm việc từ xa lớn của khu vực và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nước. Theo đó, những người làm việc từ xa được phép ở lại Malaysia trong thời gian tối đa 12 tháng, với yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu 3 tháng.

Bộ Du lịch Indonesia cho biết, hơn 3.000 người du mục kỹ thuật số, chủ yếu là người Đức, Anh và Nga đã tới Indonesia trong 8 tháng đầu năm 2022. Phần lớn trong số này sống và làm việc tại đảo Bali. Chương trình thị thực làm việc từ xa “ngôi nhà thứ hai”, cho phép người nước ngoài đủ điều kiện lưu trú hợp pháp tại quốc gia này trong 5-10 năm, và được miễn thuế nếu thu nhập của họ đến từ các doanh nghiệp có trụ sở bên ngoài Indonesia.

Riêng với Singapore, đảo quốc không chỉ có chính sách cởi mở khi miễn visa cho công dân 162 nước, e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm, thời gian tạm trú lên đến 90 ngày, có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày, mà gần đây còn công bố chính sách “Visa tinh hoa” để hút dòng khách cao cấp và giới chuyên gia quốc tế. Chính sách “Visa tinh hoa” cung cấp thị thực 5 năm cho người có thu nhập cao kèm theo cho phép vợ/chồng của họ được quyền lao động tại quốc gia này.

Kinh tế - Cạnh tranh chính sách visa đón khách quốc tế, cuộc chạy đua ngày càng gay cấn (Hình 4).

Singapore triển khai chính sách “Visa tinh hoa” để hút dòng khách cao cấp và giới chuyên gia quốc tế. Ảnh Shutterstock

Nếu đặt ra các yêu cầu thị thực quá cao, các quốc gia sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, khiến dòng người du mục kỹ thuật số rời đi, chuyển đến những địa điểm hấp dẫn hơn.

Nhờ các chính sách thuận lợi, Đức cũng thu hút hơn 150.000 công nhân du mục kỹ thuật số vào năm ngoái, cao nhất trong số các quốc gia cung cấp thị thực du mục kỹ thuật số, theo báo cáo của Công ty phân tích lực lượng lao động Revelio Labs. Trong khi đó, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Tây Ban Nha đã chào đón hơn 100.000 người du mục kỹ thuật số năm 2022. Cũng theo báo cáo này, số lượng người Mỹ chọn trở thành những người du mục kỹ thuật số đã tăng 100% từ năm 2021 đến năm 2022.

Cuộc đua chiếm lĩnh thị trường khách quốc tế rõ ràng đang rất sôi động và gay cấn. Bởi lẽ ai cũng hiểu: khách quốc tế chính là “mỏ vàng” mang về nguồn ngoại tệ khổng lồ cho các quốc gia.

Thu Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.