Tờ Financial Times nói rằng tính đến thời điểm hiện tại, EC vẫn chưa chính thức mở vụ án, họ chỉ mới gửi một bản câu hỏi dài 9 trang đến nhiều nhà mạng ở châu Âu mà thôi. Bảng câu hỏi này dùng để xem liệu Apple có áp đặt giới hạn nào đối với các hãng viễn thông hay không, chẳng hạn như yêu cầu về số lượng máy ít nhất trong một đơn đặt hàng, điều khoản đảm bảo iPhone sẽ không bao giờ chịu mức trợ giá thấp hơn các smartphone khác, ràng buộc về chi phí tiếp thị… EC muốn biết tất cả những thông tin kể trên, dù cho nó có trong hợp đồng hay là thỏa thuận miệng. Khách hàng xếp hàng mua iPhone
EC còn muốn biết thêm rằng liệu Apple có sử dụng biện pháp kĩ thuật nào để hạn chế sự tương thích của iPhone 5 với các mạng 4G hay không bởi trong bảng câu hỏi có ghi như sau: “Có một số dấu hiệu cho thấy một vài tính năng kĩ thuật nhất định trên một số sản phẩm Apple đã bị vô hiệu hóa ở các nước thuộc liên minh châu Âu. Nếu sự tồn tại của các hạn chế này là có thật, nó sẽ cấu thành tội vi phạm luật chống độc quyền”.
Hồi đầu năm nay, tờ New York Times cũng từng cho biết rằng một nhà mạng châu Âu đang nộp hợp đồng chi tiết giữa họ với Apple lên Ủy ban sau khi họ phàn nàn về “chiến lược không công bằng của Apple”. Vào thời điểm đó, người phát ngôn của EC nói họ đang “giám sát” Apple và sẽ can thiệp nếu có các bằng chứng cho thấy Apple đã làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người này nhận xét rằng sự canh tranh ở châu Âu vẫn diễn ra bình thường và bằng chứng là sự lớn mạnh của Samsung cũng như Android. Apple thì nói họ hoàn toàn tuân theo luật của EU.
Theo Tinh Tế