Tại tỉnh Cao Bằng vừa xảy ra trường hợp 5 trẻ người dân tộc Mông đồng loạt có các biểu hiện đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Trước đó, người thân của các bé cho hay, vào chiều ngày 8/6, các bé có ăn quả vải.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, BS Hoàng Văn Kiền (Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng) cho biết, do nghĩ là bị cảm thông thường nên gia đình không đưa các bé đi viện ngay. Chỉ một ngày sau, cháu Lý Văn Vừ, 12 tuổi đã tử vong; 2 bệnh nhi Lý Thị Mái (9 tuổi) và Lý Thị Hoa (10 tuổi) nhập viện ngày 9/6 trong tình trạng sốt, co giật. Trong đó cháu Mái thở ngáp, mắt lờ đờ… buộc phải hỗ trợ thở máy.
Hiện các bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực, chưa có tiến triển gì, não vẫn phù nề, suy hô hấp và co giật. Các bác sĩ muốn chuyển 2 bệnh nhi lên tuyến trên nhưng do gia đình khó khăn nên nhiều khả năng sẽ xin về nhà.
Còn hai trường hợp khác nhẹ hơn đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện là Lý Văn Trường (7 tuổi) và Lý Văn Long (4 tuổi). Hai cháu đang dần hồi phục tốt.
Theo BS Kiền, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên của các bé vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm nhưng với các dấu hiệu trên, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng các trẻ người Mông này bị viêm não.
BS Kiền cũng cho biết, thỉnh thoảng ở địa bàn vẫn xuất hiện các ca viêm não sau ăn vải, dâu da nhưng không thể khẳng định nguyên nhân là do các loại quả này.
Trước thông tin cho rằng trẻ ngộ độc ăn vải có phun thuốc. BS Kiền cho biết, theo thông tin từ phía gia đình, các bệnh nhi đều ăn vải tự trồng, không phun thuốc.
Trên thực tế, vào tháng 7/2016, cục Y tế dự phòng đã lên tiếng bác bỏ tin đồn ăn vải gây viêm não. Bởi viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Nguyễn Huệ