Malaysia đã nhận báo cáo của các nhà điều tra Hà Lan về “một tên lửa do Nga sản xuất” đã bắn hạ máy bay dân sự MH17 ở miền Đông Ukraine năm 2014, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Nga đã bắn máy bay, Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết.
“Họ đang cáo buộc Nga nhưng bằng chứng đâu?”, ông Mahathir nói với các phóng viên tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài Nhật Bản (FCCJ) ở Tokyo hôm 31/5, RT đưa tin.
“Bạn cần bằng chứng vững chắc cho thấy máy bay đã bị bắn bởi người Nga”, Thủ tướng tiếp tục, theo hãng tin nhà nước Malaysia Bernama. “Có thể là do phiến quân ở Ukraine; đó có thể là Chính phủ Ukraine vì họ cũng có cùng loại tên lửa”.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine vào ngày 17/7/2014 – giữa lúc giao tranh dữ dội.
Tất cả 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing-777 đã thiệt mạng. Kiev ngay lập tức đổ lỗi cho Nga về vụ việc, trong khi hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây cùng chĩa mũi dùi công kích vào Nga.
Đội điều tra chung (JIT) dẫn đầu bởi Hà Lan vào năm ngoái đã đưa ra báo cáo đổ lỗi cho Moscow bắn hạ MH17, đồng thời cấm Nga tham gia vào cuộc điều tra, tuy nhiên lại cho phép sự tham gia của Chính phủ Ukraine.
Mặc dù Malaysia cũng là một thành viên của JIT, Thủ tướng Mahathir tiết lộ rằng các quan chức của nước ông cũng bị ngăn chặn không cho kiểm tra máy ghi âm của máy bay.
“Vì một số lý do, Malaysia không được phép kiểm tra hộp đen để xem điều gì đã xảy ra”, ông nói. “Chúng tôi không biết tại sao chúng tôi bị loại khỏi cuộc điều tra nhưng ngay từ đầu, chúng tôi thấy quá nhiều yếu tố chính trị trong đó”.
Trong phát biểu của mình, ông Mahathir cũng hoài nghi về khả năng việc phóng tên lửa tấn công máy bay có liên quan đến quân đội Nga.
“Mục đích điều tra không phải là để tìm hiểu làm thế nào điều đó xảy ra mà dường như chỉ tập trung vào việc cố gắng áp đặt vụ việc vào người Nga. Đây không phải là một kiểu điều tra trung lập”, nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh.
Bác bỏ các cáo buộc của JIT, Nga đã công khai bằng chứng mà các nhà điều tra Hà Lan từ chối xem xét, bao gồm số sê-ri tên lửa được cho là đã bắn MH17, cho thấy nó được sản xuất tại Liên Xô năm 1986 và nằm trong kho vũ khí của quân đội Ukraine tại thời điểm xảy ra thảm kịch.