Cấm 16 tiếng hay cấm hoàn toàn
Trong khi hầu hết các bến xe lớn tại Tp.HCM đều tăng khách đi lại dịp lễ 2/9, bến xe Miền Đông mới tại Tp.Thủ Đức vẫn ế ẩm với lượng khách chỉ đạt 6.800 - 7.700 khách/ngày. Như vậy tổng lượt khách chỉ đạt khoảng 23.000 khách, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Bến xe Miền Đông mới cho rằng, bến xe bị ế ẩm là do tình trạng "xe dù, bến cóc" xung quanh bến phát triển quá rầm rộ. Nhiều nhà xe thậm chí bỏ bến ra ngoài chạy "dù" và đón khách ngay cổng bến xe.
Vì vậy, đơn vị này đã kiến nghị Tp.HCM sớm cấm xe khách giường nằm vào trung tâm Tp.HCM 24/24 giờ để dẹp "xe dù, bến cóc", đảm bảo môi trường vận tải cạnh tranh công bằng.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM, cho biết, sau thời gian cấm xe gường nằm vào nội đô từ 6h – 22h, tình hình giao thông khu vực nội đô đã thông thoáng, trật tự hơn so với trước. Tuy nhiên, việc phát sinh các “bến cóc” gần các tuyến đường vành đai, đường hành lang đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông ở những khu vực này. Vì vậy, Sở GTVT đang nghiên cứu đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm 24/24 giờ.
Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của người dân vì tác động lớn đến việc đi lại. Anh Đinh Gia Hùng, ngụ quận Bình Thạnh nói: "Nhà tôi gần bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) nên chẳng lạ gì các “bến cóc” xung quanh đó như ở Quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Chu Văn An nên nếu không cấm xe giường nằm triệt để thì còn nhiều hệ lụy như tai nạn xảy ra, bến xe mới không phát huy được tác dụng, còn nội ô thì nhếch nhác. Bởi các xe lập bến ở đâu là giao thông lộn xộn ở đấy, an ninh trật tự đảo lộn bởi chèo kéo khách, thêm nạn phóng uế, tiểu tiện bừa bãi".
Trước chuyện các nhà xe hoạt động trong khu cư xá Bình Thới, quận Bình Thạnh làm ảnh hưởng cuộc sống của cư dân, chị Dụng Thị Hồng Tâm bức xúc kể: "Tầm 10 giờ tối là các xe ầm ĩ đến tận 4-5 giờ sáng. Vấn đề cấm ở đây không phải là giải quyết về kẹt xe, mà còn liên quan đời sống dân sinh. Hạn chế các xe giường nằm len lỏi vào khu dân cư là điều cần thiết".
Tuy nhiên, không ít bạn đọc lại cho rằng việc cấm xe giường nằm vào trung tâm trong khung giờ thấp điểm (sau 22h đến 6h sáng) gây thêm khó khăn cho hành khách, khi tình hình hạ tầng giao thông từ ngoại thành chưa kết nối đồng bộ với nội thành.
Chị Hoàng Thị Thành, ngụ quận 1 cho rằng, cấm xe giường nằm vào giờ thấp điểm đã khiến hành khách thêm thiệt thòi vì “tiền đi taxi từ nội đô ra bến xe mới còn nhiều hơn tiền vé xe đi tỉnh".
Cần giải pháp đồng bộ, hợp lý
Phía doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Tuấn, đại diện nhà xe Tuấn Duyên, tuyến Tp.HCM - Hà Nội cho biết, nếu ôtô giường nằm bị cấm 24/24h, xe trung chuyển khách từ trung tâm Tp.HCM phải chạy quãng đường 23 km đến Bến Miền Đông mới.
"Để lấp đầy 38 chỗ, xe phải đi 6 chuyến, tốn nhiều thời gian cũng như ảnh hưởng nhu cầu đi lại của khách. Vì thế, Tp.HCM nên tiếp tục quy định cấm theo khung giờ như hiện nay, vì sau 22h đường đã vắng, chỉ những khách thực sự có nhu cầu đi mới đón xe thời điểm này”, ông Tuấn đề nghị.
Với góc nhìn của chuyên gia đô thị, TSKH. Ngô Viết Nam Sơn phân tích, xe khách giường nằm có kích thước lớn phải vào bến đón khách là hợp lý. Để thu hút hành khách, doanh nghiệp vận tải phải tổ chức xe trung chuyển cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, mô hình hiệu quả là xe liên tỉnh vào bến và đưa/đón khách ở bến là nhiệm vụ của hệ thống xe buýt. Xe buýt phải phục vụ thường xuyên, liên tục, rộng khắp các khu vực của thành phố với giá thành phù hợp.
Tuy nhiên, hiện hệ thống giao thông công cộng của Tp.HCM vẫn còn nhiều hạn chế như khoảng 20h đã nghỉ và đến 4h mới hoạt động lại nên hành khách muốn đi/đến bến xe chỉ có thể dùng taxi với giá khá cao.
“Do đó, để lập lại trật tự vận tải cần nghiên cứu đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ cho xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch mà cả xe buýt. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu… các xe liên tỉnh chỉ vào bến xe đón/trả khách và xe buýt hoạt động 24/24h để đưa đón vào trung tâm miễn phí”, TSKH. Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Còn TS.Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức phân tích, để doanh nghiệp vận tải vào bến, đón/trả khách đúng nơi quy định thì ngành chức năng phải đảm bảo tổ chức dịch vụ trung chuyển từ trung tâm, quận huyện đến các bến xe đầu mối một cách thuận tiện, chi phí hợp lý. Nên chăng, có giá vé xe buýt ưu đãi cho khách đi/đến bến xe khách liên tỉnh.
“Thay vì cấm xe khách giường nằm và xe khách liên tỉnh “trá hình” xe du lịch và xe hợp đồng vào trung tâm, Tp.HCM có thể dùng giải pháp căn cơ hơn là xin truyền dữ liệu hành trình của doanh nghiệp từ Bộ GTVT để phân tích, tìm ra xe khách hoạt động không đúng quy định”, TS.Vũ Anh Tuấn gợi ý.