Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc Gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn), sau nhiều ngày có mưa liên tục với tổng lượng mưa phổ biến từ 70 đến 150mm, nhiều địa phương ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đang có nguy cơ sạt lở đất ở mức cao.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, tại tỉnh Sơn La, hiện có 175 xã thuộc 11 huyện với hơn 940 điểm có nguy cơ sạt lở.
“Tương tự, tại tỉnh Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện, với hơn 510 điểm có nguy cơ sạt lở; tại tỉnh Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện và tỉnh Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện, với tổng số hơn 300 điểm có nguy cơ sạt lở,” ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ trưa chiều hôm nay (9/8), lượng mưa ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc giảm nhưng vẫn có thể xảy ra mưa và mưa rào trên diện rộng. Ngày 10 và 11/8 có khả năng còn mưa vài nơi, trời hửng nắng.
Đặc biệt, sau một thời gian dài có mưa liên tục nên nhiều địa phương ở vùng núi và trung du Bắc Bộ với tổng lượng mưa 7 ngày qua phổ biến 70-150mm nên số huyện có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh đang ở mức cao. Cụ thể ở Sơn La có 175 xã thuộc 11 huyện với trên 940 điểm có nguy cơ sạt lở, Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện với trên 510 điểm có nguy cơ sạt lở, Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện và Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện với trên 300 điểm có nguy cơ sạt lở.
Cũng theo ông Lâm cảnh báo, từ ngày 9 đến 10/8, trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với đỉnh lũ tại trạm Yên Bái và Phú Thọ lên mức báo động 1. Dòng chảy các hồ chứa Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát tăng chậm và duy trì ổn định trong ngày 8 và 9-8 sau đó giảm chậm. Trong khoảng 4-5 ngày tới, mực nước các hồ sẽ tăng thêm khoảng 2-4m do lưu lượng nước về hồ hiện vẫn lớn.
Ông Hoàng Phúc Lâm dự báo, trong khoảng 20 ngày cuối tháng 8, khu vực Bắc Bộ vẫn nằm trong giai đoạn mưa nhiều đan xen với 1-2 đợt nắng nóng. Trong tháng 8, khu vực Bắc Bộ phổ biến có mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng khu vực Lai Châu và Điện Biên xấp xỉ trung bình. Tổng lượng mưa trong 20 ngày cuối tháng tại khu vực Tây Bắc có thể đạt từ 100-200mm, khu vực Việt Bắc có thể đạt từ 150-250mm, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có thể đạt từ 150-300mm.
Tối 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 732/CĐ-TTg về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu rõ, từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân; tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét…
Trúc Chi (theo Vietnam+, Sức khỏe & Đời sống)