Theo báo cáo của bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ 2018, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh.
Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, và để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh sốt xuất huyết PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ từ Thầy thuốc ưu tú, Ths.Bs Tạ Quang Mậu, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (bệnh viện đa khoa Hà Đông).
Xem video: Bác sĩ khuyến cáo người dân đặc biệt lưu ý điều này nếu bị sốt xuất huyết
Thưa Ths.Bs Tạ Quang Mậu, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện những ngày gần đây tại bệnh viện như thế nào?
Hiện nay, trung bình khoa chúng tôi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 – 20 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gồm cả người lớn và trẻ em.
Nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết là gì thưa bác sĩ?
Nguyên nhân của sốt xuất huyết là do virus Dengue gây nên, do muỗi nhiễm virus này đốt vào cơ thể gây bệnh. Con muỗi này cũng có thể đốt truyền bệnh gián tiếp cho người, có nghĩa người bị bệnh sốt xuất huyết, con muỗi hút máu của người bị bệnh sau đó lại đốt sang người khác.
Trước đây, sốt xuất huyết thường hay xảy ra vào mùa mưa nhưng hiện nay sốt xuất huyết dần dần xuất hiện quanh năm, đặc biệt muỗi hay sinh sản gần nhà, xung quanh khu vực dân sinh sống. Thường hay đẻ trứng ở những nắp lon bia, mảnh sành, lọ vứt xung quanh nhà có nước đọng. Tốc độ sinh sản của muỗi rất nhanh, đặc biệt ở những nơi khu dân cư tập trung, mất vệ sinh, hay những nơi tốc độ đô thị hoá cao… Muỗi phát triển đồng nghĩa dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Thêm nữa, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn, khoang trắng khoang đen.
Vậy triệu chứng nào để biết được mình đã bị bệnh sốt xuất huyết thưa bác sĩ?
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết rất đột ngột, khởi đầu bằng sốt cao đột ngột (39-40 độ). Triệu chứng thứ hai thường gặp là bệnh nhân rất đau đầu, đau mình xương khớp, nhức hai hốc mắt, mệt mỏi, ăn uống kém.
Sau đó, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng xuất huyết dưới da, có các chấm dưới da, xuất huyết ở niêm mạc, mắt, mũi chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ở nội tạng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc tiểu ra máu…
Nếu bị sốt xuất huyết mà không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất khối lượng tuần hoàn, rơi vào tình trạng sốc, truỵ tim mạch và có thể tử vong.
Sốt xuất huyết có một đặc điểm là bị rất nhanh, nhưng nếu chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ không để lại di chứng. Còn nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng sẽ có những biến chứng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Năm nay, sốt xuất huyết chủ yếu bùng dịch ở TP.HCM, theo bác sĩ lý do vì sao?
Từ những tháng trước ở trong Nam mưa rất nhiều, thời tiết nắng mưa thất thường. Mưa nhiều sẽ có nước đọng, ở những khu vực không vệ sinh thì muỗi sinh sôi, nảy nở gây bệnh.
Còn ở miền Bắc tầm thời điểm này vào năm ngoái thì chưa có người bệnh sốt xuất huyết hoặc chỉ 1 - 2 ca. Đến tháng 9, 10, 11 và tháng 12 thì kết thúc. Có lẽ căn cứ vào tình hình thời tiết, năm nay miền Bắc ít mưa hơn. Khi có mưa thì muỗi sẽ phát triển.
Theo bác sĩ, người bị bệnh sốt xuất huyết thì hướng điều trị thế nào?
Tôi có lời khuyên với những người có triệu chứng như tôi đã nêu ở trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán. Căn cứ vào tình hình thực tế thì sẽ điều trị ở cơ sở hay phải lên tuyến trên.
Với những trường hợp bệnh nhân sống một mình, xa đơn vị y tế nên đến bệnh viện ngay.
Bình thường người bị bệnh sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm thì điều trị khoảng 7-10 ngày.
Vậy, để phòng bệnh sốt xuất huyết người dân cần làm gì?
Người dân cần thu dọn vệ sinh sạch sẽ nơi mình sinh sống, đậy kín chum nước mưa không cho muỗi sinh sản. Thêm nữa phải xịt muỗi, nên nằm màn để tránh muỗi đốt.
Cần ăn uống đầy đủ, đảm bảo chất dinh dưỡng, làm việc sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Xin cảm ơn bác sĩ!