Masutatsu Oyama là người gốc Triều Tiên thuở nhỏ tên là Yong I Choi, sinh ngày 27 tháng 7 năm 1923 tại một ngôi làng nhỏ không xa Gunsan phía Nam Triều Tiên trong giai đoạn vùng đất này vẫn nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản.
Những năm tháng đầu tiên
Võ sư Masutatsu Oyama
Là con trai thứ 4 trong gia đình có 6 anh em trai và một chị gái. Khi còn nhỏ Oyama được gửi tới sống trong nông trại của chị gái mình ở Manchuria, một khu vực miền núi ở phía Nam Trung Quốc.
Oyama là người rất khỏe mạnh, hàng ngày thường đi bộ 6 dặm xuyên qua các ngọn đồi đến trường tiểu học Yongree. Oyama không có hứng thú nhiều với các môn học gò bó trong trường, ông thường thích chơi bóng, bơi lội và câu cá. Năm 9 tuổi, Oyama bắt đầu theo học một môn võ Trung Hoa tên là Thập bát thủ từ một người họ Lý đang làm việc ở nông trang của chị gái. Oyama đã được người này dạy võ trong vòng 2 năm và cho đến khi trở về Triều Tiên năm 12 tuổi, ông vẫn giữ niềm say mê của mình vói môn võ này. Oyama tiếp tục học võ Triều Tiên, môn võ có sự pha trộn giữ kiểu võ Kempo, Kungfu và Ju Jitsu.
Năm 1938, khi 15 tuổi, ông đến Nhật Bản tập luyện để trở thành một phi công, thành một người giống như thần tượng của ông lúc đó là Bismarck- phi công chiến đấu đầu tiên của Triều Tiên. Ở tuổi 15, tự lực cánh sinh là điều vô cùng khó, đặc biệt là đối với một người Triều Tiên ở Nhật và chẳng bao lâu sau, kế hoạch luyện tập trở thành phi công bị dẹp sang một bên. Ông đã bỏ ý định trở thành phi công nhưng vẫn tiếp tục tập luyện võ công: Đó là 2 môn Nhu Đạo và Quyền Anh.
Trong thời gian sống ở Nhật Bản, vì phải bắt buộc chon một tên Nhật nên ông đã quyết định lấy tên là Oyama, có nghĩa là ngọn núi vĩ đại. Một ngày, ông chú ý tới vài sinh viên đang tập Không Thủ Đạo Okinawa. Môn võ này rất hấp dẫn ông và ông đã đến luyện tập tại võ đường của võ sư Gichin Funakoshi ở Đại học Takushoku và nhanh chóng trở thành một học viên xuất sắc. Đây cũng là nơi mà ngày nay được biết đến với cái tên: Tùng Đào Quán Không Thủ Đạo .
Sự tập luyện của ông tiến bộ đến mức khi 17 tuổi, ông đã đạt Nhị đẳng Huyền đai và khi gia nhập quân đội Thiên Hoàng năm 20 tuổi, ông đã là một võ sư Huyền đai tứ đẳng. Lúc này ông cũng quan tâm tới những điều thú vị trong môn Nhu Đạo và sự tiến bộ của ông trong môn võ này cũng gây ngạc nhiên không kém. Đến khi ngừng tập Nhu Đạo, chưa đầy 4 năm sau khi bắt đầu tập luyện, ông đã được nhận Tứ đẳng Huyền đai.
Ẩn cư để tái xuất giang hồ
Ông chính là người sáng lập trường phái Kyokushinkai Karate
Năm 1945, sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến 2, sự khinh miệt sau đó của những kẻ chiếm đóng, cùng ước vọng trở thành sĩ quan lục quân tan vỡ đã trở thành những cú sốc giáng mạnh vào cuộc đời Oyama Masutatsu. Vượt quá sức chịu đựng của một chàng trai trẻ, Oyama đã sống những ngày giang hồ, thường xuyên gây gổ với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật, đánh gục chúng khi chứng kiến chúng hiếp đáp phụ nữ Nhật Bản và nện những tên vô lại trên đường phố trung tâm Tokyo. Mặc dù không bị truy tố vì tự vệ chính đáng và gia đình nạn nhân đã tha thứ, nhưng việc dùng Karate gây ra cái chết của một kẻ du đãng cũng khiến Oyama khủng hoảng nặng nề muốn từ bỏ vĩnh viễn võ nghiệp.
Trong những ngày khủng hoảng đó, Oyama đã may mắn gặp võ sư So Nei Chu. Võ sư So, một người Triều Tiên khác (cùng quê với Oyama) sống ở Nhật, là một trong những người có thế lực nhất của Cương Nhu Không Thủ Đạo của Nhật lúc đó. Ông nổi tiếng cả về sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần. Ông đã gợi ý Oyama nên ẩn cư để tránh xa phần còn lại trên thế giới trong vòng 3 năm nhằm phát triển võ công và khí công.
Lo sợ tinh thần và kỹ pháp Karate của bản thân sẽ trở nên hoang tàn như đường phố Tokyo sau chiến tranh, lại được sự ủng hộ và khuyến khích của So Nei Chu, Oyama quyết định lên núi tu luyện bất chấp sự phản đối của hầu hết bè bạn khi họ chỉ trích chàng chọn sự nghiệp Karate giữa thời đại bom nguyên tử là điều điên rồ.
Luyện tập trên núi
Và là võ sư đầu tiên lập kỳ tích khi tay không đánh chết... bò mộng
Khi 23 tuổi, Mas Oyama gặp Eiji Yoshikawa, tác giả của tiểu thuyết Musashi, được viết dựa trên cuộc đời và những chiến công của võ sĩ Samurai nổi tiếng nhất Nhật Bản. Cả cuốn tiểu thuyết lẫn tác giả của nó đã giúp Oyama học về Samurai, truyền thống Võ sĩ Đạo và ý nghĩa của nó. Năm 1946, Oyama tới núi Minobu ở quận Chiba, nơi Musashi đã xây dựng phái Nhị Đao của ông, đây là một loại kiếm pháp. Oyama nghĩ rằng đây là một nơi tốt để bắt đầu sự tập luyện khắc nghiệt mà ông đã đặt kế hoạch cho mình. Lý do khiến Oyama quyết định chọn núi Minobu bởi chàng tôn kính võ sư tiền bối Miyamoto Musashi và đặc biệt yêu thích bút pháp của Eiji Yoshikawa miêu tả Samurai này trong tác phẩm cùng tên Musashi. Trong những thứ ông mang theo có một bản sao của cuốn tiểu thuyết của Yoshikawa. Một sinh viên tên là Yashiro cũng đi với ông .
Sự cô độc thật là một cảm giác nặng nề và 6 tháng sau, Yashiro bí mật bỏ đi trong đêm. Điều này càng trở nên khó khăn hơn với Oyama, người muốn trở về với thế giới văn minh hơn bao giờ hết. So Nei Chu đã viết cho ông và nói rằng ông nên cạo hết lông mày của mình để từ bỏ sự khát khao đó. Chắc chắn ông sẽ không muốn bất cứ ai nhìn thấy mình trong bộ dạng như vậy. Bức thư này và những bức thư khác đã thuyết phục Oyama tiếp tục, và ông đã quyết tâm trở thành võ sư Không Thủ Đạo mạnh nhất Nhật Bản .
Năm 1947, Oyama đạt thành tích vô địch Karate nội dung đối kháng tại Đại hội võ thuật Nhật Bản do Enshin-kai tổ chức tại Hội đường Maruyama, Kyoto, sau khi so găng với một vận động viên có sở trường là cú đá vòng cầu thần tốc từng vô địch trong giới sinh viên Nhật Bản. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy trống trải vì chưa hoàn thành 3 năm ẩn cư. Ông đã quyết định cống hiến cuộc đời cho môn Không Thủ Đạo. Vì thế ông đã khởi đầu lại một lần nữa, lần này là ở núi Kiyozumi, cũng ở quận Chiba. Địa điểm này ông chọn vì cảnh quan của nó có ích cho việc tập luyện khí công. Thêm vào đó So Nei Chu đã viết thư động viên Oyama cố gắng hơn trong nỗ lực để không chỉ trở thành một võ sư Karate mạnh nhất Nhật Bản mà còn phải làm chủ được cả thể xác và tinh thần. Oyama đã quyết định vào núi Kiyosumi tỉnh Chiba, một ngọn núi hoang sơ rất thích hợp cho việc luyện tập nội công, tiếp tục tu luyện vào năm 1948.
Và cứ thế, khoảng 3 tháng sau khi lông mày mọc ra như cũ, Oyama lại cạo phía bên đối diện. Cũng trong những năm tháng này, học theo các Ninja ngày xưa, ông luyện các kỹ pháp bật nhảy, nhào lộn để tăng sự dẻo dai của cơ thể bằng cách trồng cây tầm ma, một loại cây có sức sinh trưởng mạnh, cắt ngọn còn độ hai thước và tập nhảy qua mỗi ngày 300 lần theo sự phát triển của cây; đồng thời luyện công phá cạnh tay và nắm đấm vào đá sỏi. Lần đầu tiên trong đời Oyama thực cảm thấy mình đã trở nên mạnh mẽ khi dùng tay chặt vỡ đá bằng đòn shuto trong một đêm trăng. Khoảng một năm rưỡi sau đó, ngày Oyama xuống núi, những cây cối quanh căn lều của chàng đã trơ trọi, chết rụi vì những đòn quyền cước và bên lều, một đống đá nát vụn đã chất cao lên như núi.
Thảo Phương